29/11/2014 9:10 PM
Ngại va chạm, lợi ích nhóm..., đó là những rào cản lớn trong việc xử lý các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng (TTXD) hiện nay.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Nam Từ Liêm sau hơn nửa năm thành lập, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ khẳng định, muốn quyết liệt xử lý các vi phạm này, không còn cách nào khác là phải tháo gỡ các rào cản.

Thu ngân sách vượt kế hoạch

Thưa ông, sau hơn 7 tháng thành lập, quận Nam Từ Liêm đã đạt được những thành tựu gì?

- Đến nay, quận đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu TP giao, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách (NS). Tính đến cuối tháng 10/2014, kết quả thu NS của quận đã đạt 110%, dự báo đến cuối năm sẽ đạt mức 130% nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, quận cũng đã đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Năm 2014 là năm rất nhạy cảm, đặc biệt tại thời điểm diễn ra các căng thẳng trên Biển Đông, có được sự ổn định chính trị và xã hội là một thành công. Xã hội có ổn định thì sản xuất, kinh doanh mới phát triển được.Quận cũng đã quyết liệt thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" mặc dù đây là địa bàn rất nóng. Các vi phạm về đất đai, TTXD cũng được đôn đốc, xử lý thường xuyên.

Nói đến thu NS, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, quận Nam Từ Liêm vẫn thu NS vượt chỉ tiêu được giao. Đâu là nguyên nhân đưa tới thành công này, thưa ông?
- Thực tế, thời gian qua, kinh tế trong nước và thế giới cũng đã có những bước phục hồi. Điều này tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Vì thế, nhiệm vụ thu NS cũng bớt khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cũng được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN... là các giải pháp đã được chúng tôi triển khai quyết liệt. Mặc dù mới thành lập hơn nửa năm, còn bộn bề công việc nhưng quận Nam Từ Liêm đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN. Sau các cuộc gặp này, chúng tôi lập danh sách các DN khó khăn, hàng tuần mời trực tiếp từng DN đến UBND quận làm việc để tìm ra hướng giải quyết.
Từ huyện lên quận, người dân được hưởng lợi gì, thưa ông?
- Thực hiện chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới, quy mô dân số của mỗi quận sẽ nhỏ đi. Quy mô dân số ít hơn, sự chăm lo của Đảng và chính quyền cho người dân sẽ tốt hơn, sâu sát hơn. Khi lên quận, về lý thuyết, kinh phí đầu tư của Nhà nước cho vấn đề quản lý đô thị như cây xanh, thảm cỏ, đèn đường… sẽ cao hơn và người dân được hưởng lợi.

Cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm ngày 27/11.

Cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm ngày 27/11.
Có thói quen lợi ích nhóm

Xuất phát điểm từ huyện, tư tưởng làng xã của người dân có ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" không, thưa ông?
- Câu chuyện từ huyện lên quận, xã lên phường, về mặt hành chính, đến nay người dân đã quen. Nhưng về mặt suy nghĩ, thói quen, cách thức làm việc, ứng xử của tất cả hệ thống từ Đảng, chính quyền đến người dân còn đang trong quá trình chuyển đổi. Theo quan điểm của triết học thì ý thức xã hội thường đi sau tồn tại xã hội. Làng xã không còn nhưng ý thức làng xã vẫn ăn sâu trong tâm lý người dân. Đây là một trong những rào cản trong quá trình đô thị hóa. Cuộc sống đô thị khác nông thôn ở chỗ con người ta phải chấp nhận sống theo mặt pháp luật nhiều hơn là tình. Quản lý phải bằng pháp lý, mối quan hệ giữa chính quyền và Nhân dân cũng phải bằng pháp lý.
Tình hình vi phạm đất đai, TTXD trên địa bàn quận đến nay có giảm không, thưa ông?
- Những vi phạm này vẫn còn nhưng diễn biến đỡ phức tạp hơn.
Xử lý vi phạm đất đai nhiều khi liên quan đến quyền lợi của người này người kia, nhóm này nhóm kia? Ông có ngại với những điều "khó xử" này?
- Trong câu chuyện xử lý vi phạm đất đai, TTXD có rất nhiều rào cản. Thứ nhất, cán bộ địa phương nhiều khi có thói quen nặng tình nhẹ lý. Thứ hai, các mối quan hệ dòng họ, huyết thống, bên cán bộ có thể ngại va chạm dẫn đến xử lý chưa đến nơi đến chốn. Thứ ba, thói quen lợi ích nhóm, nghĩa là cán bộ cũng được hưởng lợi từ nhóm lợi ích đó nên xử lý qua loa. Thứ tư, thực tế, những vi phạm về đất đai, TTXD không chỉ có người dân mà còn có những nhóm lấn chiếm đất đai chuyên nghiệp. Muốn thực hiện không còn cách nào khác là phải kiên quyết, tháo gỡ các rào cản đó.
Xin cảm ơn ông!
Đinh Nguyễn (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.