Xem xét "việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010" sẽ là nội dung giám sát tại kỳ họp Quốc hội (QH) thứ tám sắp tới.

Nếu thấy cần thiết, QH sẽ ban hành nghị quyết để ràng buộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc giải quyết những nhũng nhiễu, nhiêu khê liên quan đến thủ tục đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế… đang tồn tại hiện nay.

"Một cửa" còn hình thức


Tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa liên thông”.
Ảnh: Huyền Linh

Tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa liên thông”.
Ảnh: Huyền Linh

10 năm cải cách hành chính, cái chưa được theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của QH là việc nhiêu khê, nhũng nhiễu và rườm rà trong lĩnh vực hành chính còn nhiều. Trách nhiệm thuộc về cơ chế của chúng ta hay bộ máy nhà nước lại rất khó phân định rạch ròi vì thủ tục hành chính là một khâu quản lý nhà nước, phụ thuộc nhiều vào thể chế, bộ máy và trình độ phát triển của xã hội. Hiện mô hình cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa liên thông" còn nặng tính hình thức. Bởi bộ phận "một cửa" trên thực tế mới chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả, chưa trực tiếp giải quyết, mà phải chuyển tới các bộ phận chuyên môn thực hiện, nên thời gian, quy trình thực hiện vẫn còn rườm rà. Người dân muốn đóng các loại thuế phải trình ở cửa này nhưng vẫn phải tự đến kho bạc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hoặc trường hợp nộp hồ sơ nhà đất tại xã và xã chuyển hồ sơ cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất qua bộ phận "một cửa" nhưng khi hỏi, 100% đối tượng được khảo sát cho biết, họ vẫn phải gặp trực tiếp văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, làm kéo dài thời gian giải quyết. Trong khi đó, quá trình thực hiện còn gặp trở ngại do bị lỗi hẹn, thói quen quản lý theo cơ chế xin cho của chính cấp thừa hành.

Văn bản bất nhất

Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính chưa cao. Theo đại diện của Hiệp hội Các nhà thầu tỉnh Nam Định thì hiện chưa có sự thống nhất giữa nội dung lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo quy định của một số luật liên quan. Chẳng hạn như theo Luật Xây dựng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản thì khi thẩm định dự án phải xem xét cả thiết kế cơ sở. Nhưng cùng nội dung này trong Luật Nhà ở và các văn bản liên quan lại không có quy định trên. Điều này khiến nhiều chủ đầu tư khóc dở mếu dở vì cơ quan quản lý nhà nước tùy nghi vận dụng, hành kiểu gì cũng không sai luật.

Ở lĩnh vực đất đai, ông Lê Tiến Dũng, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam than thở, nhà, đất vốn là tài sản lớn của nhiều doanh nghiệp, nó không chỉ phục vụ hoạt động hằng ngày mà khi cấp bách có thể mang đi thế chấp cho ngân hàng để vay vốn nếu có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, với đơn vị này, chức năng thứ hai của giấy tờ nhà, đất trên đã không thể phát huy tác dụng bởi đơn giản là hàng chục năm nay, rất nhiều cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận nhà, đất dù tất cả đều hoàn toàn hợp lệ. Dẫn chứng cho thực tế trên, ông Dũng cho biết, hiện doanh nghiệp này đang thuê lại của Nhà nước một tòa nhà từ năm 1995. Sau đó, do nhà xuống cấp, đơn vị này đã đề xuất phá bỏ để xây lại cao ốc 11 tầng và xin cấp giấy tờ nhà, đất mới và đã được cấp có thẩm quyền đồng ý. Thế nhưng, để thực hiện được việc trên, phía cho thuê tòa nhà (một doanh nghiệp nhà nước) đã yêu cầu doanh nghiệp này phải ký vào hợp đồng là vẫn đang thuê 3 tầng của tòa nhà cũ, dù thực tế nó đã bị phá bỏ cho đủ thủ tục. Để cho qua chuyện, doanh nghiệp này đã gật đầu làm theo. "Nghe câu chuyện như đùa nhưng thực tế mỗi tháng, chúng tôi đã phải chi ra hàng tỷ đồng tiền thuê 3 tầng của căn nhà ảo. Chúng tôi đã xây dựng lại căn nhà bằng chính vốn của doanh nghiệp nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà. Không những thế, từ nhiều năm nay, cơ quan thuế vẫn yêu cầu phải nộp tiền sử dụng đất, trong khi giấy tờ thì hàng chục năm vẫn không được cấp" - ông Dũng nói.

Không chỉ khổ về giấy tờ nhà đất, kê khai nộp thuế cũng là một vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Theo quy định, kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải làm ở nơi phát sinh bất động sản, dự án ở đâu doanh nghiệp phải kê khai thuế ở đấy. Nhưng cuối năm lại phải quyết toán với cục thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở. Ông Trần Văn Nến, Công ty kinh doanh Bất động sản TKV thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói: "Những công ty có dự án trải trên rất nhiều địa phương thì việc này trở thành vô cùng nhiêu khê. Nên chăng, Tổng cục Thuế có cách làm khác để gỡ rối cho doanh nghiệp".

Bức tranh có nhiều điểm tối trên cho thấy, việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần là giảm các thủ tục, mà cần thiết hơn là cái tâm của người thực thi. Do vậy, cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành công vụ, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng cho được cơ chế giám sát để cán bộ công chức làm việc cho tốt chứ không phải chỉ làm việc vì sợ thanh, kiểm tra hay sợ cấp trên.

Chính phủ dự kiến, sắp tới, trong số 66 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung 43 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 65%. Lợi ích của việc đơn giản hóa thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai dự kiến tiết kiệm được 192 tỷ đồng/năm. Ở lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 261 thủ tục, thay thế và hủy 10 thủ tục. Theo đó, cơ quan thuế giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc in ấn và sử dụng hóa đơn, đẩy mạnh đăng ký thuế qua mạng. Trong lĩnh vực nhà ở, 100% thủ tục sẽ được đơn giản hóa để tiết kiệm 1.481 tỷ đồng/năm. Nổi bật là bãi bỏ các quy định về thu phí xây dựng, thời hạn có hiệu lực khởi công của giấy phép xây dựng.
Nguồn: Văn phòng Quốc hội

Cafeland.vn- Theo Hà Phong (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland