Quy hoạch Thủ đô đang là vấn đề nhận được quan tâm của đông đảo người dân và nhà đầu tư. Với một đồ án mà thời gian thực hiện được nới dài đến năm 2030, tầm nhìn 2050, và làm sao để xứng tầm với vị thế cũng như để giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - an sinh là kỳ vọng của mọi tầng lớp.
Những vấn đề đặt ra sau khi có quy hoạch Thủ đô
Ảnh minh họa. nguồn internet.

Sau quy hoạch, hàng loạt dự án chờ “khai tử”

Thủ tướng chính phủ đã chính thức phê duyệt và công bố quy hoạch xây dựng thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội trong tương lai sẽ có một khu đô thị lõi và 5 khu đô thị vệ tinh với hành lang xanh bao bọc.

Theo ghi nhận của phóng viên tamnhin.net, dọc tuyến đường Quốc lộ 32 về phía tây Thủ đô, hàng loạt các quy hoạch khu đô thị nhỏ và vừa đã được đưa vào triển khai. Hầu hết các dự án đều có xây dựng các khu nhà chung cư, cao ốc văn phòng…. Điều này là trái với các tiêu chí về hành lang xanh trong quy hoạch, tuy nhiên đến giờ phút này vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nhằm giải quyết sự chồng chéo này. Đứng trước nhiều nhận định các dự án như vậy có nguy cơ bị khai tử.

Một báo cáo mới đây cho thấy, trong 750 dự án BĐS ở Hà Nội từ năm 2009 đến nay, qua nhiều lần rà soát, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội đã lọc ra danh mục gồm 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép triển khai đợt I.

Hầu hết dự án, đồ án đang bị tạm dừng trong 750 dự án chờ quy hoạch nằm ngoài vành đai 3 trở ra, có những dự án lên tới hàng nghìn ha nằm trong khu vực vành đai xanh theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Như vậy, con số dự án chờ “khai tử” hoặc điều chỉnh là không hề nhỏ.

Có thể nói chính sự thu hút đầu tư theo phong trào, “mạnh ai người đấy làm” của một số địa phương, đã khiến số lượng không nhỏ các dự án lâm vào tình cảnh trên. Việc khai tử các dự án khi mà nguyên nhân, lỗi lầm thuộc về sự yếu kém của nền hành chính trước đó là một điều rất vô lý.

Trong khi các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa trước số phận của các dự án ngấp nghé cửa tử thì dường như thị trường BĐS tại Hà Nội lại chưa cho thấy những dấu hiệu ấm lên. Điều này trái ngược hẳn với không khí thị trường khi bản dự thảo Quy hoạch đưa ra vài năm trước đây khiến các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền về khu vực Ba Vì -tây Thủ đô.

Theo nhận định của một số chuyên gia địa ốc, việc tạm đình chỉ hàng loạt dự án trước kia đã khiến thị trường BĐS Hà Nội bị ảnh hưởng ghê gớm. Vì thế, việc tất yếu điều chỉnh dự án nằm trong quy hoạch mới mà người ta gọi là hành lang xanh lần này, ít nhiều sẽ tác động đến các chủ đầu tư và tác động đến thị trường BĐS.

Kẻ mừng, người lo

Theo lý giải của các nhà quản lý, đầu tư BĐS ở Việt Nam nói chung vẫn theo tâm lý bầy đàn, số đông, theo cảm tính. Do đó, nhiều khu vực chưa có quy hoạch rõ ràng họ vẫn ném tiền vào để rồi sau đó gánh chịu hậu quả khôn lường.

Nay với một quy hoạch đồ sộ, phân chia Hà Nội thành chùm đô thị với một đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh rõ ràng, các tuyến đường trọng yếu sẽ triển khai trong tương lai sẽ góp phần phác họa cho các nhà đầu tư định vị được chỗ nào nên rót tiền, chỗ nào cần tránh... tức là sẽ góp phần lôi kéo giới đầu tư quay trở lại thị trường, qua đó làm cho thị trường BĐS dần ấm lên và đi vào ổn định hơn, nhà đầu tư cũng tránh được những rủi ro hơn.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng, để thực hiện quy hoạch chung nhiều dự án đô thị sẽ bị rà soát và thay đổi. Đặc biệt, nếu rơi vào khu vực vành đai xanh, bị khống chế mật độ và độ cao xây dựng, chủ dự án chắc chắn sẽ bị thiệt hại.

“Quy hoạch này mà được thực hiện thì chắc chắn các chủ dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vì từng khu vực đô thị trung tâm cũng như là các TP vệ tinh đưa ra tầm xây dựng mang tính chất vĩ mô. Nếu bảo đảm được đồng bộ các cơ sở hạ tầng từ giao thông, cấp thoát nước, nhà cửa, cũng như là các điều kiện xã hội khác, đặc biệt là bảo tồn các di tích lịch sử thì các dự án nhỏ sẽ khó có cơ hội để mà kinh doanh”, - một nhà đầu tư cho hay.

Cũng theo ông, sau khi công bố quy hoạch thì các nhà đầu tư có thể biết rõ ràng được những khu đất nào họ có thể đầu tư được và không thể đầu tư được. Đồng thời, dựa vào quy hoạch đó điều chỉnh được đầu tư của mình. Nhưng giới đầu tư cũng cho rằng, họ không mấy kỳ vọng vào sự đột biến của thị trường thời hậu quy hoạch.

Theo ý kiến của anh Phùng văn Huy, với một người dân như anh thì bản quy hoạch mà thành phố mới công bố rất quy mô và hoành tráng, nhưng có một thực trạng là từ trước đến giờ cứ quy hoạch xong lại điều chỉnh khiến anh không biết thực hư ra sao cả. Có khu vực chỉ vừa được lên thành phố, thị xã chưa lâu đã lại sáp nhập vào Hà Nội. Có vẻ như khi quy hoạch các nhà quản lý đã không có một tầm nhìn dài hạn làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân cũng như nhiều nhà doanh nghiệp.

Đồng tình với những quan điểm trên, giới đầu tư cũng cho rằng, để đảm bảo bản quy hoạch được tôn trọng trong thực tiễn triển khai mà không bị đánh đổi quá lớn với lợi ích thiết thực của nhân dân, nhà đầu tư… đòi hỏi các nhà chức trách phải tìm ra hướng giải quyết vấn đề sao cho hợp lí, bền vững.
Theo Thảo Nguyên (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.