Hiện vẫn còn những ý kiến xung quanh một số quy định tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 13) quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Liên quan đến vấn đề này, Website NHNN đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng.

Vừa qua có một số ý kiến cho rằng Thông tư 13 của NHNN Việt Nam có những quy định vượt trước cả chuẩn quốc tế tốt nhất về chỉ tiêu an toàn và lộ trình thực hiện. Là một chuyên gia rất am hiểu về quản trị rủi ro ngân hàng, quan điểm của Tiến sỹ về vấn đề này thế nào?

Nói Thông tư 13 có những quy định vượt trước cả chuẩn quốc tế tốt nhất về chỉ tiêu an toàn và lộ trình thực hiện là không chuẩn xác và là cách nhìn không toàn diện vì những lý do sau:

(i) Tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR) là một chỉ tiêu tài chính tổng hợp để đánh giá mức độ an toàn vốn tối thiểu cần thiết của một tổ chức tín dụng /ngân hàng thương mại (NHTM), là yêu cầu về mức vốn tự có tối thiểu đủ để sẵn sàng bù đắp những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hoạt động kinh doanh trong điều kiện thông thường. Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

(CAR)

=

Vốn tự có

>= 8%

Rủi ro tín dụng

+

Rủi ro thị trường

+

Rủi ro hoạt động khác


Trong đó, rủi ro tín dụng = Tổng tài sản “Có” rủi ro

Nội dung của Thông tư 13 chưa yêu cầu về mức vốn tự có tối thiểu đủ để sẵn sàng bù đắp mức độ rủi ro thị trường (bao gồm rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro giá chứng khoán, những rủi ro thị trường khác…), và rủi ro hoạt động khác. Ngay từ Basel I sửa đổi (năm 1996), ngoài yêu cầu về mức vốn tự có tối thiểu đủ để sẵn sàng bù đắp rủi ro tín dụng, chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn đã yêu cầu NHTM phải có mức vốn tự có tối thiểu để sẵn sàng bù đắp cho rủi ro thị trường.

Kinh nghiệm quốc tế và của Việt Nam đã chứng minh nhiều NHTM phải đối diện với rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Ví dụ, Ngân hàng Barings (Mỹ) đã bị phá sản vì rủi ro thị trường và/ hoặc vì rủi ro hoạt động. Việt Nam cũng đã từng có trường hợp một NHTM lớn trong thời gian chưa đến 01 năm kinh doanh ngoại tệ đã để tổn thất hơn 500 tỷ VND. Vì vậy không thể xét riêng lẻ một số quy định, nội dung cụ thể để đánh giá là yêu cầu chỉ số CAR đối với các NHTM Việt Nam đã vượt trước cả chuẩn mực quốc tế tốt nhất về chỉ tiêu an toàn vốn và lộ trình thực hiện, trong khi còn có những yếu tố cơ bản khác chưa được tính.

(ii) CAR là 8% - đó là mức áp dụng đối với ngân hàng có trình độ quản trị kinh doanh, quản lý rủi ro tốt. Basel II cũng đã đưa ra nội dung: Cơ quan giám sát, thanh tra yêu cầu một ngân hàng nhất định phải có mức vốn tự có tối thiểu cao hơn 8% nếu xác định trình độ quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro của đơn vị ngân hàng đó không tốt.

Thời gian qua, trình độ quản trị kinh doanh, quản lý rủi ro của các NHTM Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều. Tuy nhiên chưa thể nói quản trị kinh doanh, quản lý rủi ro của đa số các NHTM Việt Nam đã ở trình độ tốt hoặc đạt mức chuẩn quốc tế. Một số NHTM chưa xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đo lường rủi ro tín dụng; chưa đo lường được mức độ rủi ro lãi suất của bảng cân đối kế toán; chưa đo lường và giám sát tốt mức độ rủi ro thanh khoản..v. v.

(iii) Chuẩn mực kế toán Việt Nam còn có khoảng cách nhất định so với chuẩn mực kế toán quốc tế, trong đó Việt Nam đang thiếu vắng những chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính- là những chuẩn mực có tác động đặc biệt đến hoạt động của các NHTM do tài sản, nguồn vốn của NHTM là công cụ tài chính chiếm khoảng 90% tổng tài sản. Nhìn chung, nếu NHTM Việt Nam lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì mức độ rủi ro tín dụng được thể hiện cao hơn khi lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động quy định tại Thông tư 13 cũng có nhiều ý kiến cho là không cần thiết ?

Trả lời: Mặc dù chuẩn mực Basel không đề cập tỷ lệ % vốn huy động cụ thể để cấp tín dụng, nhưng nói rằng quy định này của Thông tư 13 đã vô hiệu hóa hoạt động của bộ phận quản lý Tài sản có-Tài sản nợ (ALCO) và can thiệp vào quyền chủ động của các TCTD là chưa chuẩn. Tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động là một trong những tỉ lệ an toàn được nhiều nước trên thế giới sử dụng khá phổ biến và được các nhà phân tích về tài chính ngân hàng quan tâm. Về nội dung này, Tạp chí Ngân hàng số 17, tháng 9/2010 có bài viết “Tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động - những thông lệ quốc tế” của chuyên gia tài chính ngân hàng Nhật Trung đã nêu rõ. Tôi cũng chung quan điểm này khi thực hiện phân tích tài chính ngân hàng. Cái được gọi là “thanh khoản” hay “khả năng chi trả” (liquidity) của một ngân hàng được đánh giá thông qua một tập hợp đa dạng các công cụ và kĩ thuật, tỉ lệ giữa cho vay so với tiền gửi (LDR) là một trong những thước đo nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Một sự gia tăng tỉ lệ cho vay so với tiền gửi cho thấy ngân hàng đang có ít hơn nguồn vốn tiền gửi để tài trợ cho tăng trưởng tín dụng và bảo vệ mình khỏi nguy cơ rút tiền gửi đột ngột, khả năng thanh khoản của ngân hàng giảm. Do đó, trong hệ thống chỉ tiêu giám sát an toàn hoạt động ngân hàng đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước hay đứng ở góc độ quản lý Tài sản có-Tài sản nợ (ALCO) nội bộ đơn vị ngân hàng, nhà phân tích cần sử dụng tỉ lệ cho vay so với tiền gửi .

Quy định hệ số rủi ro 250% đối với cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán, cho vay kinh doanh bất động sản có quá cao?

Trả lời: Tôi xin lưu ý rằng năm 2008, 2009 vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến có nhiều mã chứng khoán mất tới 70%- 80% giá trị thị trường; và đã có thời gian nhất định, nhiều bất động sản riêng lẻ giảm tới 50% giá trị thị trường. Việc quy định hệ số rủi ro cao 250% (tương ứng là yêu cầu phải có 20đ (= 8* 2.5) vốn tự có khi cho vay 100đ vào lĩnh vực kinh doanh, đầu tư chứng khoán/ cho vay kinh doanh, đầu tư bất động sản, nếu xét riêng về rủi ro tín dụng) là ngăn ngừa NHTM không thực hiện quy mô lớn những hoạt động quá nhiều rủi ro. Một cách tiếp cận tương tự đối với một khoản mục tài sản “Có” khác có mức độ rủi ro cao của ngân hàng thương mại đã có ngay trong nội dung của Basel II: Đó là đơn vị ngân hàng phải loại bỏ hoàn toàn khỏi vốn tự có khi tính toán hệ số CAR đối với số vốn góp vào công ty con, công ty liên kết hoặc khi cho vay “người có liên quan”. Theo tôi, rút kinh nghiệm những nguyên nhân của khủng hoảng tài chính tại Mỹ và quốc tế vừa qua, quy định trên là cần thiết. Để phát triển ổn định, bền vững, nguồn vốn kinh doanh của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cần phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn trung, dài hạn của người đầu tư, không nên dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, NHTM không được mạo hiểm, đem nguồn vốn của người gửi tiền cho kinh doanh, đầu tư những lĩnh vực quá nhiều rủi ro.

Như vậy theo quan điểm của Tiến sỹ, nội dung Thông tư 13 là đã hoàn chỉnh và có thể thực hiện đúng lộ trình đã định (1/10/2010)?

Trả lời: Về cơ bản, tôi cho rằng nội dung Thông tư 13 đã phù hợp với thông lệ quốc tế và khả năng thực hiện của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, có một số ít nội dung thuộc về kỹ thuật nên xem xét chỉnh sửa, bổ sung như tính thêm nguồn vốn tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và dân cư (không được tính nguồn vốn tiền gửi của KBNN tại ngân hàng) vào chỉ tiêu nguồn vốn tiền gửi. Xét chung toàn cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam, các nội dung của Thông tư 13 nên được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình. Khi triển khai Thông tư 13, trong đó có quy định về tỉ lệ cho vay so với tiền gửi, một số NHTM có thể gặp khó khăn, các ngân hàng này cần báo cáo riêng NHNN và đưa ra lộ trình, thời điểm cụ thể để thực hiện.

Để hạn chế rủi ro thanh khoản khi các TCTD thực hiện nội dung của Thông tư 13 thì chính sách quản lý nhà nước và quản trị rủi ro của từng TCTD cần làm gì?

Trả lời: Đồng bộ với thực hiện Thông tư 13 và để hạn chế rủi ro thanh khoản và các loại rủi ro giá cả thị trường của mỗi NHTM cũng như cho cả hệ thống tài chính ngân hàng, chính sách quản lý nhà nước và chính sách, chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng không nên tạo thói quen, tạo động lực kinh tế cho khách hàng gửi tiền trong việc phá bỏ kỳ hạn của các hợp đồng tiền gửi hoặc thói quen rút tiền gửi trước hạn khi cung ứng sản phẩm “tiền gửi có kỳ hạn được rút gốc linh hoạt và khi rút gốc trước hạn được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi”. Đối với quy định về lập, trình bày báo cáo tài chính của ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự có thể cần quy định bổ sung hoặc chi tiết hơn, theo đó các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm “được rút gốc trước hạn” phải được phân loại, trình bày riêng biệt. Theo đó, việc quản lý hoạt động ngân hàng cần ứng xử đối với “các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, được rút vốn gốc trước hạn”/ “được rút vốn gốc linh hoạt” tương tự như loại tiền gửi không kỳ hạn trong việc tính toán các chỉ tiêu về tỷ lệ đảm bảo khả năng chi trả, về tỷ lệ chuyển hoán vốn để cho vay trung và dài hạn... Ngoài ra, cần giới hạn quy mô/ tỷ trọng nguồn vốn huy động bằng các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, được rút vốn gốc trước hạn so với tổng tài sản.

Xin cảm ơn Tiến sĩ

Cafeland.vn - Theo Thành Nam (SBV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland