Chặt chẽ hơn để tránh trục lợi
Trao đổi với phóng viên , Thượng tá Phạm Văn Phấn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP Hà Nội cho biết: Nghị định 56/2010/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 10/7 đã có một số sửa đổi, bổ sung rất quan trọng.
Cụ thể tại Điều 3: "Nghiêm cấm các hành vi lạm dụng
quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân"
được bổ sung hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất là nghiêm cấm việc cho người
khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho
nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở, nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối
thiểu trên đầu người theo quy định.
Công an quận Thanh Xuân hướng dẫn các thủ tục nhập hộ khẩu cho người dân.
Theo Thượng tá Phạm Văn Phấn thì quy định bổ sung này sẽ hạn chế được tình trạng nhập hộ khẩu danh nghĩa, tức là nhập hộ khẩu một nơi, song không sinh sống tại đó. Cũng tại Điều 3 được bổ sung thêm quy định: "Nghiêm cấm việc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu". Quy định này đưa ra nhằm khắc phục tình trạng có những trường hợp đã lợi dụng sự quen biết để nhờ xin giấy xác nhận hợp đồng lao động tại một số doanh nghiệp để đăng ký hộ khẩu.
Tại Điều 4: "Nơi cư trú của công dân" được sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng. Trong đó quy định rõ: "Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống". Quy định này nhằm khắc phục tình trạng một người đăng ký nhiều hộ khẩu khác nhau. Đồng thời quy định mới bổ sung thêm "Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở do thuê , mượn hoặc ở nhờ tại TP Hà Nội, TP HCM phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người". Việc quy định diện tích tối thiếu 5m2 sàn/người sẽ khắc phục được tình trạng nhập nhờ, nhập danh nghĩa đồng thời đáp ứng được vấn đề giãn dân tại các thành phố lớn…
Tạo điều kiện cho những trường hợp chính đáng
Theo Thượng tá Phạm Văn Phấn thì đã có quy định sửa đổi nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhưng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú. Tránh tình trạng người dân thiệt thòi quyền lợi không được đăng ký hộ khẩu thường trú do vướng quy hoạch treo, dự án treo…
Liên quan đến "Điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương" (Điều 7) cũng quy định rõ: Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên thì mới đủ điều kiện đăng ký thường trú thay vì có thể cộng dồn tại nhiều nơi cư trú khác nhau như quy định cũ… Cũng theo Thượng tá Phạm Văn Phấn, theo những quy định hiện hành thì việc nhập khẩu vào TP Hà Nội hiện rất thông thoáng.
Điều vướng mắc hiện tại là quy định 5m2 sàn/người hiện nay xác định thế nào cho chính xác. Cách tính cụ thể dựa theo diện tích sàn hay tổng diện tích. Phần diện tích cơi nới ngoài sổ đỏ có được tính không? Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn Hà Nội có số lượng lớn sinh viên các địa phương về Hà Nội học tập được gia đình mua nhà ở nhưng hiện tại không được đăng ký hộ khẩu thường trú. Cũng theo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội thì những trường hợp này đã có nhà ở và đứng tên chính chủ sở hữu, chính vì vậy nên tạo điều kiện để được nhập hộ khẩu.
Một số điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương |
1. Công dân có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên. 2. Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. 3. Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an. 4. Xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về thời gian và nơi đăng ký tạm trú (đối với trường hợp đăng ký tạm trú nhưng không cấp sổ tạm trú). |
Cafeland.vn - (Theo CAND)