04/11/2012 8:14 PM
Những bất cập của nhà tái định cư tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.

Nhà tái định cư còn nhiều bất cập chưa giải quyết - Ảnh: Đ.D

UBND TP.Hà Nội vừa có kết quả giám sát về thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Những bất cập trong cơ chế đầu tư các khu tái định cư là một trong những nội dung chính được nêu ra trong báo cáo. UBND thành phố nhắc nhở về việc triển khai chậm các dự án tái định cư. Một số dự án đã được thành phố phê duyệt làm nhà ở tái định cư song lại chuyển đổi mục đích xây dựng, điều chỉnh quy hoạch làm tiến độ bị chậm.

Báo cáo cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có thể nhận thấy sự đối lập rõ ràng về diện mạo kiến trúc, mỹ quan đô thị và chất lượng công trình giữa các khu nhà ở chung cư thương mại và tái định cư.

UBND cũng đưa ra ý kiến về việc phân bổ, bố trí các địa điểm tái định cư chưa phù hợp với nhu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư, có tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo hướng chuyển từ mục đích sử dụng khác sang xây nhà ở. Hơn nữa, các thủ tục hành chính trong mua nhà tái định cư quá phức tạp, rườm rà. Thậm chí, có hiện tượng nhu cầu nhà tái định cư “ảo” do giá bán các sản phẩm này thấp hơn so với giá thị trường khiến cho các hộ dân đủ điều kiện có thể nhận đền bù bằng tiền, dù không có nhu cầu vẫn đăng ký mua.

Trong quản lý nhà tái định cư còn có vấn đề khác là phân biệt quỹ nhà tái định cư, nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa. Chủ đầu tư nhà tái định cư thậm chí không sốt sắng với trách nhiệm của mình, như việc hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua nhà, thành lập ban quản trị, minh bạch việc khai thác các diện tích sử dụng chung…

Nhìn nhận những bất cập nói trên, thành phố Hà Nội đánh giá, nguyên nhân khách quan là do một số văn bản của cơ quan nhà nước. Trong đó có Nghị định 88 của Chính phủ về quy trình đề nghị cấp sổ cho nhà tái định cư lòng vòng khiến cho thủ tục bị kéo dài.

Nguyên nhân chủ quan là UBND thành phố chưa quan tâm tới luật nhà ở cũng như các văn bản hướng dẫn về việc bảo trì nhà tái định cư.

Cũng theo kết quả này, có 320 nhà chung cư mới xây dựng từ năm 2001 cao 6 - 48 tầng đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại và hạn chế trong việc quản lý nhà chung cư.

Cụ thể, chủ đầu tư và chính quyền vẫn còn có sự phối hợp yếu, lỏng lẻo. Chẳng hạn, ở nhiều chung cư, các hộ kinh doanh ở tầng 1 thường lấn chiếm vỉa hè và diện tích chung của tòa nhà như lối thoát hiểm, cầu thang bộ, đặt biển quảng cáo không đúng quy định… Việc đầu tư hạ tầng các khu nhà cũng không đồng bộ, nhiều hộ cho thuê căn hộ làm văn phòng, kinh doanh gây khó khăn cho quản lý và đảm bảo an ninh trật tự.

Theo Lê Quân (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.