Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, một trong những phần việc thuộc Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, Chính phủ giao Bộ Xây dựng đưa ra các tiêu chí BĐS thuộc diện Nhà nước mua lại.
Việc Nhà nước mua lại các dự án BĐS, theo ông Nam là nhằm mục đích an sinh xã hội, để những người không có khả năng mua nhà thì có thể thuê ở và để phục vụ công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, số nhà này còn được đưa vào phục vụ cơ quan Nhà nước trong việc làm trụ sở và nhà ở công vụ.
Thứ trưởng Nam cho rằng, động thái này không phải để cứu DN BĐS đang trong cơn ế hàng. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế bình thường, DN không gặp khó khăn thì Nhà nước vẫn có thể mua, nhưng mua ở thời điểm này thì có lợi vì giá rẻ. Tiền của Nhà nước không mất đi, bởi tài sản là BĐS thì về trung và dài hạn luôn có giá đi lên.
Mặt khác, theo ông Nam, việc làm này đảm bảo mục tiêu giảm nợ xấu ở các ngân hàng. Khi DN bán được hàng, thị trường sôi động trở lại thì mới có tiền trả nợ ngân hàng. Nợ xấu giảm đi, Chính phủ lại có tài sản. Một khi Nhà nước có lợi thì người dân cũng có lợi, thể hiện ở chỗ người nghèo, các hộ dân tái định cư được ở nhà thương mại với chất lượng tốt hơn.
Hiện phía Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề chính thức với Bộ Xây dựng nhưng Thứ trưởng Nam cho biết, chắc chắn hai bên sẽ làm việc để thống nhất các tiêu chí cụ thể. Chính sách mới được thông qua thì chậm nhất là quý 3. 2012 sẽ đưa vào thực hiện.
Những dự án nhà ở thương mại có giá trung bình trở xuống Nhà nước mới mua. Ảnh: Nguyễn Lê
Trước vấn đề này, ông Trương Chí Kiên,
Phó Tổng giám đốc Cty Him Lam Thủ đô cho rằng, đây là chủ trương rất
đúng đắn, trước hết nhằm cứu thị trường BĐS cũng như DN BĐS tránh hệ lụy
của DN liên đới đến tính thanh khoản của ngân hàng bởi vì hầu như các
DN BĐS đều phải dùng vốn làm đòn bẩy.
Ông Kiên phân tích, hiện nay một số DN BĐS rất khó khăn và họ phải có những chiến lược cực kỳ táo bạo đó là việc cắt lỗ, nếu Nhà nước có chủ trương mua lại sản phẩm của họ nhằm tháo gỡ vốn tồn đọng cho DN đó thì rõ ràng đây là điều có lợi nhất cho DN.
Song, đứng về góc độ Nhà nước, để triển khai được dự án, công trình nhà ở công vụ thì phải triển khai và chi phí khá nhiều. Do đó, nếu Nhà nước mua được dự án vào thời điểm tốt thì Nhà nước cũng được lợi vì có giá mặt bằng hợp lý.
Tuy nhiên, ông Kiên nhận định, đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt chứ không phải giải pháp lâu dài vì nếu lâu dài thì phải có những chủ trương khác nhau.
Mặt khác, theo ông Kiên, Đề án này nhắm tới nhà ở công vụ. Song, Đề án như thế nào, mục đích là giải cứu hay là muốn tăng lượng nhà ở công vụ trong thời điểm giá căn hộ đang rẻ thì còn cần phải xem xét.
“Mức giá khoảng 15 – 17 triệu đồng/m2 không ai biết được giá đó đã chuẩn hay chưa vì mặt bằng giá giữa miền Bắc và miền Nam là hoàn toàn khác nhau. Nếu lý do đề xuất mua là do thời điểm này giá thấp nhưng giá thấp hay không cũng chưa thể nắm chắc được, vì vậy cần có người đứng ra thẩm định cho khách quan”, ông Kiên nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đây là giải pháp tích cực nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế Kỷ lại đang băn khoăn số lượng căn hộ sẽ được mua là bao nhiêu trong khi thị trường căn hộ vô cùng lớn và mua nhằm mục đích gì? Ông Hưng cho rằng, nếu mua để dùng làm nhà ở công vụ thì số lượng căn hộ không được nhiều, trong khi đó, hiện có rất nhiều DN, dự án đang bế tắc thì sẽ mua dự án nào cũng là cả một vấn đề.