Mảng trần rộng 6m2 đã bị rơi xuống hôm 17-1 vừa qua
“Sống trong sợ hãi”
Bà Đỗ Thị Hiền, chủ nhân ngôi nhà số 119 Hàng Bạc cho biết, mọi chuyện bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi cụm nhà số 121 - 123 bên cạnh được xây mới. Theo bản vẽ xây dựng được phê duyệt, công trình này có một hầm sâu 2,3m so với mặt cắt vỉa hè để làm chỗ để xe. Kể từ khi cụm nhà này tiến hành nhồi cọc, khoan móng ở độ sâu hơn 3m, tường ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc xuất hiện các vết nứt chạy dọc căn nhà. Các miếng nhựa ốp tường bị bong tróc, vôi vữa rơi xuống để lộ ra những viên gạch được xây xiên vẹo oằn mình đỡ những cấu kiện bên trên. Đầu năm 2013, một trong 4 đầu đao bằng sứ cổ trên cao được dùng để đỡ các thanh dầm đột nhiên đứt vỡ rơi khỏi trụ. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi vào lúc 2h sáng 17-1 vừa qua, mảng trần rộng 6m2 cùng nhiều gạch vữa đổ sập xuống giữa nhà. Rất may, bà cụ 80 tuổi thoát nạn trong gang tấc.
Trao đổi cùng phóng viên An ninh Thủ đô, Bà Đỗ Thị Hiền bức xúc: “Tôi đã nhiều lần có ý kiến về việc xây dựng tầng hầm tại cụm nhà số 121 - 123. Căn nhà chúng tôi hiện đang sinh sống đã hơn 100 năm tuổi, nhưng chính quyền địa phương vẫn cấp phép xây dựng cho công trình cạnh đó mà không xét tới các vấn đề về bảo tồn”. Bà Hiền cũng thông tin thêm, theo điều lệ quản lý phố cổ hiện hành, chủ nhân của các ngôi nhà cổ không được phép tự ý xây dựng, cơi nới kết cấu nhà nếu chưa có sự thông qua của cơ quan quản lý di sản. Căn nhà cứ ngày một tàn tạ, khắc khổ gồng gánh hàng chục con người đang sinh sống trong đó.
Nhà cổ bị… bỏ rơi
Căn nhà số 119 Hàng Bạc được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, với kết cấu hình ống điển hình của Hà Nội xưa cùng 2 giếng trời và 3 khối theo hình chữ tam. Hiện tại, 100m2 của ngôi nhà là nơi sinh sống của “đại gia đình 3 thế hệ” hơn 20 người. Từ khi xây dựng cho đến nay, ngôi nhà vẫn được giữ nguyên vẹn với hệ thống dầm gỗ, kèo ngang, mái ngói cổ và các trụ hình rồng. Năm 1999, ngôi nhà được thành phố đưa vào diện nhà có giá trị đặc biệt cần bảo vệ. “Khi đó, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã tới đây chụp ảnh, thậm chí, đề nghị được mua lại để phục dựng” - Bà Hiền nhớ lại. Tuy nhiên, do là mảnh đất cha ông để lại với mục đích hương hỏa, nên cả gia đình quyết định không bán và tiếp tục sinh sống trong căn nhà này. Những năm tiếp theo, liên tục có đoàn của phường, quận, thành phố, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tới chụp ảnh, xem xét nhưng chưa một lần gia đình bà được hỗ trợ để trùng tu, cải tạo nhà. Cho tới nay, căn nhà đã trở nên ọp ẹp, xiêu vẹo chờ đổ sập. Bà cho biết, căn nhà xây kiểu cũ, chỉ dùng hệ thống dầm gỗ chịu tải, hệ thống tường nhà gần như không có móng khiến căn nhà cực kỳ mong manh trước những chấn động dù là rất nhỏ. Căn nhà đang bị bỏ rơi.
Theo Công văn trả lời ngày 26-11-2012 của UBND quận Hoàn Kiếm, trường hợp của ngôi nhà 119 Hàng Bạc được xếp vào các vấn đề dân sự. Theo đó, “chủ đầu tư nhà 121- 123 đã mua bảo hiểm cho việc đền bù nếu gây ra hư hỏng cho các công trình liền kề. Do vậy, nếu có việc hư hỏng do xây dựng gây ra, chủ đầu tư nhà 121- 123 Hàng Bạc và cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết đền bù hư hỏng”. Như vậy, đồng nghĩa với việc phải chờ căn nhà 119 bị hư hỏng mới bắt đầu tính đến chuyện sửa chữa. Căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi nhưng các cấp có thẩm quyền thay vì tính đến các phương án bảo vệ lại chỉ lo việc sửa nếu hư hỏng. Vấn đề đặt ra là, các quy định hiện có liên quan đến việc bảo vệ các ngôi nhà cổ ở Hà Nội còn thiếu chặt chẽ. Chưa có cơ sở đảm bảo quyền lợi của chủ nhân các ngôi nhà cổ thuộc diện này, họ vẫn phải tự cứu mình trước khi mong chờ một sự giúp đỡ, hỗ trợ. Đem những thắc mắc trên tới Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, chúng tôi nhận được những thông tin khá chồng chéo trong việc quản lý bảo vệ các nhà cổ ở Hà Nội.
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc nằm trong cụm 1.081 ngôi nhà cổ được thành phố Hà Nội đưa vào danh sách những ngôi nhà ở có giá trị đặc biệt cần bảo vệ theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng năm 1998. Tuy nhiên, vẫn chưa có một chuẩn về việc sắp xếp mức độ cần bảo vệ. Bởi vậy, chưa thể có một quy chế hỗ trợ bảo tồn”. Ông cho biết thêm: “Theo thời gian, chúng tôi đã có đợt điều tra, khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá lại tình trạng của các ngôi nhà cổ, hiện giờ chỉ còn lại khoảng 550 căn nhà cổ bao gồm hơn 200 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn tuyệt đối và hơn 300 ngôi nhà sẽ được lên phương án bảo tồn một phần”. Trước khi đến lúc đó, dù cổ đến mấy, cũng chưa có phương án hỗ trợ bảo vệ các ngôi nhà này. Những người sinh sống tại đây phải học cách tự bảo vệ mình trước đã.
-
Hà Nội dự kiến khung phí chung cư: “Tiền nào của nấy”
Dự thảo về giá dịch vụ chung cư của Hà Nội cho thấy, quy luật “tiền nào của nấy” được thể hiện rất rõ, và nếu muốn được đóng phí dịch vụ mức thấp, người dân sống trong chung cư chấp nhận tòa nhà mình đang sống bẩn hơn với tiện nghi kém hơn… <br/br>
-
Dù vẫn được xem là có giá trị lớn song tới nay có hàng trăm nghìn “sổ đỏ” vẫn đang nằm chỏng chơ trong két sắt của chính quyền các địa phương. Vì những lý do khác nhau, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bình Định, Vĩnh Long, Thái Bình... vẫn đang tồn đọng từ vài chục nghìn tới hàng trăm nghìn “sổ đỏ”. <br/br>
-
TP.HCM chấp thuận mua gần 16.000 căn nhà
UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương mua gần 16.000 căn trong quỹ nhà ở thương mại có diện tích phù hợp làm nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư. <br/br>