Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Đực, phó tổng giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, phân tích thêm: với những chính sách hiện nay, người dân có nhu cầu nhà ở hầu như không có khả năng tiếp cận căn hộ. Mặt khác, theo chủ trương thắt chặt tín dụng hiện nay, nhà ở càng xa tầm tay của người dân, nhất là người thu nhập thấp. Một căn hộ diện tích nhỏ 40m2 được bán với đơn giá 12 triệu đồng/m2 thì chỉ có những người có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng mới có thể mua được, mà người có thu nhập trung bình hoặc thấp thì thu nhập hàng tháng không đến 12 triệu đồng/tháng.
Sau nhiều năm triển khai nhưng TP.HCM mới có khoảng 112 căn nhà cho người thu nhập thấp hoàn thành, một vài dự án khác đang còn dang dở. Nguyên nhân nào khiến chủ trương xây nhà cho người thu nhập thấp ì ạch như vậy?
Một chủ trương lớn và có ý nghĩa xã hội cần có chiến lược hợp lý và các giải pháp hữu hiệu mới có thể trở thành hiện thực. Hiện nay, việc xây nhà cho người thu nhập thấp dường như chỉ dựa vào doanh nghiệp, chưa có sự phối hợp cần thiết của các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Vì thế, mặc dù số lượng dự án đăng ký tham gia nhiều nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, bởi chính các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, trong giai đoạn hiện nay lại gặp thêm rào cản về chính sách.
Báo chí từng phản ánh doanh nghiệp không “mặn mà” với nhà cho người thu nhập thấp. Theo ông là vì sao?
Nhiều doanh nghiệp chưa tham gia chương trình này vì những ưu đãi cần thiết dành cho nhà đầu tư các dự án này chưa được Nhà nước quan tâm nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Nhà đầu tư không được chính quyền hỗ trợ hoàn thành nhanh chóng các thủ tục. Về phía người mua, những người có thu nhập thấp thì không chứng minh được khả năng tài chính để mua, vậy thì làm sao doanh nghiệp bán được căn hộ. Mặt khác, lãi định mức 10% trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, lạm phát phi mã, lãi suất cao làm sao đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Những quy định hiện nay đã vô tình đẩy toàn quyền bán nhà thu nhập thấp vào tay doanh nghiệp và sở Xây dựng của địa phương. Như vậy, liệu có phát sinh tiêu cực bởi cơ chế “xin – cho”?
Thực tế đã chứng minh, tại Hà Nội có người đi xe hơi mua nhà thu nhập thấp. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế trách nhiệm rõ ràng chứ không nên giao phó cho các doanh nghiệp thực hiện như một nghĩa vụ.
Theo tôi, cần giao trách nhiệm thực hiện chương trình xây dựng nhà thu nhập thấp cho chính quyền địa phương; xác định chỉ tiêu, định mức xây dựng mang tính chất pháp lệnh (như Trung Quốc đã từng thực hiện). Nhà nước cần có chiến lược và công cụ hiệu quả (như lập ra uỷ ban Phát triển nhà ở trực thuộc Chính phủ hoặc tổng cục Phát triển nhà ở), có kế hoạch tạo ra quỹ đất sạch ven đô thị chừng 20 – 100ha và giao cho các doanh nghiệp xây dựng được nhiều căn hộ nhất.
Nên mở rộng khái niệm nhà ở xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư căn hộ giá trung bình và diện tích nhỏ (hiện nhiều căn hộ thương mại tại TP.HCM bán giá 12 – 15 triệu đồng/m2, tương đương giá căn hộ thu nhập thấp tại Hà Nội) được hưởng các chỉ tiêu như nhà giá thấp. Việc xây dựng các căn hộ 20 – 40m2 cho người độc thân, mới lập gia đình... là giải pháp thiết thực và khả thi nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cả nhóm người nghèo và trung bình, giảm áp lực thiếu nhà trầm trọng hiện nay.