Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao soạn thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả 3 dự thảo nghị định vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến không đồng thuận.

Không làm người bị thu hồi đất nghèo đi

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, được sự phân công của Chính phủ, ngay từ tháng 1/2014, bộ này đã hoàn thành 3 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 và đưa ra lấy ý kiến với các nhóm nội dung “nóng” nhất gồm định giá đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; và 1 nghị định “quét” những điều còn lại. Dự kiến, những dự thảo nghị định này sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 5/2014.

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 diễn ra tại Hà Nội đầu tuần này, Liên minh Đất đai (LANDA - gồm 18 tổ chức thành viên là các tổ chức xã hội nghề nghiệp) cho rằng, trong 10 năm thực thi Luật Đất đai 2003, có thể thấy tình trạng các nghị định bị sửa đổi, bổ sung thường xuyên, làm cho khối lượng văn bản tăng lên ngày càng nhiều, gây khó khăn cho nhận thức và áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, LANDA mong muốn Luật Đất đai 2013 ra đời cùng với việc soạn thảo một loạt các nghị định hướng dẫn thi hành sẽ là cơ hội tốt để khắc phục tình trạng trên. Việc xây dựng các nghị định cần chuẩn bị kỹ lưỡng với tầm nhìn xa, bảo đảm tính chi tiết, hợp lý, khả thi để hạn chế tình trạng các địa phương phải đưa ra các quy trình quản lý đất đai riêng, thiếu thống nhất.

Góp ý về nội dung “vướng” nhất và được nhận định đã gây ra đến 70% các vụ khiếu kiện về đất đai thời gian qua là quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GS.TS Đặng Hùng Võ, Cố vấn cao cấp của LANDA cho rằng, trên thực tế, ngoài việc người dân chưa hài lòng về giá đất luôn thấp hơn giá thị trường trong khi tính giá trị bồi thường, hỗ trợ, những đối tượng bị thu hồi đất còn gặp khó khăn khi vấn đề ổn định sinh kế và tạo việc làm mới chưa được giải quyết tốt.

Theo ông Võ, dự thảo nghị định lần này vẫn giữ nguyên thời gian được hỗ trợ về ổn định đời sống, sản xuất như quy định cũ và mức hỗ trợ vẫn giao cho UBND cấp tỉnh quy định sẽ dẫn đến thực tế ở nhiều dự án, người dân bị thu hồi đất đã sử dụng hết khoản hỗ trợ mà vẫn chưa tìm được sinh kế mới, đành bất động trong nghèo khó.

Vì vậy, ông Võ kiến nghị, cần quy định theo hướng nêu cụ thể số tiền được hỗ trợ tương đương với mức thu nhập trước khi bị thu hồi đất, thay vì để chính quyền địa phương tự xác định một mức chung đối với tất cả mọi trường hợp trong một thời gian nhất định, nhằm bảo đảm tính phù hợp thực tiễn và không làm người bị thu hồi đất nghèo đi.

Khẳng định quyền lợi của người yếu thế

Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, LANDA đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về công khai, minh bạch hồ sơ về áp dụng thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, hồ sơ của người xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất; hồ sơ địa chính của diện tích đất được giao, được thuê, được chuyển mục đích sử dụng, được gia hạn sử dụng; quyết định của cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan tài nguyên và môi trường, trang thông tin điện tử của UBND cấp có thẩm quyền.

“Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về công khai, minh bạch hồ sơ tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về áp dụng thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Võ nói và nhấn mạnh, trường hợp phòng tài nguyên và môi trường hoặc UBND cấp huyện không có trang thông tin điện tử thì phải chuyển việc công khai thông tin này lên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp trên và công khai tại văn phòng của cơ quan mình.

Trong khi đó, bà Trần Thị Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ (LANDA) cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác” là không bảo đảm về quyền thụ hưởng đất đai của những người yếu thế.

“Quy định này vô hình chung đã tạo khả năng để các tác nhân loại trừ phụ nữ ra khỏi sự tiếp cận đối với đất đai, hơn là đảm bảo cho sự tiếp cận của phụ nữ đối với loại tài sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này”, bà Châu nói và kiến nghị, Ban soạn thảo cần quy định “sổ đỏ”, “sổ hồng” bắt buộc phải ghi đầy đủ tên của vợ chồng người sở hữu.

Chủ đề: Luật Đất đai 2013,
Minh Nhật (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.