18/10/2010 4:02 AM
Việc hoàn thành xây dựng đường Láng – Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) và nâng cấp Quốc lộ 32 được kỳ vọng là “lực đẩy” cho các dự án bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội.
Nhưng dù đường đã thông, mà hầu hết dự án vẫn ngổn ngang.

Số ít “nhúc nhắc”

Một trong những dự án đã được được giới thiệu đình đám cách đây nhiều năm, dự báo sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội là Khu đô thị Bắc An Khánh (đã đổi tên thành Dự án Splendora cách đây hơn 1 năm). Dự án này do Công ty Vinaconex và Tập đoàn Posco E & C làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 2,5 tỷ USD, diện tích chiếm đất hơn 264 ha.

Công trình được chính thức khởi công từ tháng 4/2007 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn diện tích Dự án vẫn chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng. Ngay cả trung tâm marketing và diện tích 50 ha trong giai đoạn I của dự án hiện vẫn trong quá trình xây dựng và san lấp mặt bằng.

Một dự án khu đô thị lớn khác, thậm chí được khởi công trước Khu đô thị Bắc An Khánh, là Khu đô thị Nam An Khánh, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, với diện tích gần 300 ha. Tại dự án này, phần lớn diện tích đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và đã có đường giao thông, nhưng rất ít công trình nhà ở được triển khai theo tiến độ đã cam kết.

Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, do Công ty cổ phần Thương mại Vietracimex làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 170 ha, cũng đã từng được giới đầu tư đất Hà Nội hết sức quan tâm khoảng 1 năm về trước. Đến thời điểm hiện tại, bên ngoài tường rào của Dự án đã được chủ đầu tư dựng biển giới thiệu về các hạng mục công trình, nhưng bên trong hầu như vẫn là khu đất hoang.

Ngược lại, có tiến độ xây dựng khả quan nhất trong số các dự án BĐS nằm trong khu vực phía Tây Hà Nội lại là 2 dự án khu đô thị không có nhiều “danh tiếng”. Đó là các dự án Khu đô thị mới Lideco (Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức) do Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư và Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) do Công ty cổ phần Xây dựng Tuấn Quỳnh làm chủ đầu tư. Các công trình này đã cơ bản hoàn thiện phần xây thô.

Phần lớn “bất động”

Theo thống kê của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, chỉ tính riêng khu vực từ đường vành đai 2 đến vành đai xanh sông Nhuệ có tổng cộng 744 dự án, đồ án nằm trong diện phải rà soát quy hoạch. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thực hiện 244 dự án, đồ án, với diện tích chiếm đất khoảng 10.000 ha.

Trả lời câu hỏi về số phận các dự án nằm trong khu vực đường vành đai 4 và vành đai xanh sông Nhuệ, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã phối hợp lên danh sách cũng như đặt ra các tiêu chí, nguyên tắc rà soát. Tuy nhiên, do “đụng” tới nhiều đồ án, dự án có diện tích rất lớn, có khi lên tới hàng nghìn héc-ta nằm trong khu vực vành đai xanh (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội), nên mức độ sàng lọc trong đợt 2 sẽ cao hơn, với các yêu cầu kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, việc xử lý các dự án trong khu vực từ đường vành đai 4 đến vành đai xanh sông Nhuệ là hết sức khó khăn. “Quan điểm của Bộ Xây dựng là phải giải quyết rốt ráo, nhưng cần duy trì được trật tự quy hoạch, dựa trên các quy hoạch phân khu. Đa phần dự án còn lộn xộn, thậm chí có dự án còn chưa có đường vào. Việc cấp phép dự án trước đây có vấn đề”, ông Toàn nói.

Những huyện có số đồ án quy hoạch rất lớn là Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai (trong khu vực có dự án đường vành đai 4 chạy qua), với mỗi địa phương có hàng trăm dự án BĐS, chủ yếu là dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số này, có thể kể đến những dự án có diện tích chiếm đất rất lớn, như Khu đô thị Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, 420 ha), Khu đô thị Bình Yên (huyện Thạch Thất, 211 ha), Khu đô thị Tuần Châu (huyện Quốc Oai, gần 200 ha), Khu đô thị Điện lực Dầu khí (huyện Thạch Thất, 196 ha), Khu du lịch sinh thái Cổ Đông (Ba Vì, 180 ha), Khu đô thị Vincon (huyện Hoài Đức, 150 ha). Hầu hết các dự án này vẫn chưa giải phóng mặt bằng, vì còn chờ phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.

Thị trường đìu hiu vì “đói vốn”

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép thực hiện 244 dự án, đồ án từ đường vành đai 3 đến hành lang xanh sông Nhuệ, nhưng số lượng dự án triển khai rất ít. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, ngoài nguyên nhân vướng quy hoạch, thì việc dự án chậm triển khai còn do thiếu vốn đầu tư. Theo ước tính của ông Võ, để hoàn thành các dự án BĐS khu vực phía Tây Hà Nội, với quy mô và số lượng dự án như hiện nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tiêu tốn khoảng 70 tỷ USD vốn đầu tư. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “siết” dòng vốn cho vay BĐS của các ngân hàng thương mại và người dân cũng ngần ngại với đầu tư, góp vốn vào các dự án địa ốc. Thực tế này đang tạo nên “chiếc vòng kim cô” đối với thị trường BĐS Thủ đô.

Chỉ mới cách đây 1 năm, với kỳ vọng quá lớn vào thị trường, nhiều người đã phải bỏ ra số tiền chênh lệch tới cả tỷ đồng để sở hữu 1 nền đất tại các dự án Khu đô thị Bắc An Khánh, Xuân Phương, Nam An Khánh, Vân Canh, Kim Chung – Di Trạch… Nhưng đến thời điểm này, hầu hết các dự án đó vẫn là những cánh đồng hoang.

Theo Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.