Trên cơ sở đề nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh và Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng quy hoạch và các cơ quan liên quan tổ chức lập, thẩm định các Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ chí Minh và ĐBSCL theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

Trước đó, Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình tập trung đa cực, với thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân và hướng tới là một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.

Đồng thời phát triển cấu trúc không gian toàn vùng, phát huy vai trò vị thế và tiềm năng của vùng thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực, kết nối các tỉnh, thành trong vùng với nhau, kết nối vùng thành phố Hồ Chí Minh với các vùng quốc gia và quốc tế; xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ cao cấp tầm khu vực và quốc tế ở vùng trung tâm bán kính 30 km, các trung tâm dịch vụ cấp quốc gia và cấp vùng với bán kính phục vụ hợp lý.

Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hoá - đào tạo - y tế chất lượng cao, là vùng có cảnh quan và môi trường tốt.

Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển ĐBSCL nhằm phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình đa cực, tập trung kết hợp các hành lang kinh tế đô thị, với thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng. Đồng thời, phát triển không gian cấu trúc không gian toàn Vùng với hành lang kinh tế sông Tiền, sông Hậu, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù toàn vùng. Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế, đô thị. Phát triển cân bằng, hài hòa giữa đô thị và nông thôn.

Đến năm 2050, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu; là vùng kinh tế phát triển năng động, bền vững, có môi trường đầu tư thuận lợi; có điều kiện và chất lượng sống đô thị và nông thôn cao; là trung tâm văn hóa - lịch sử và du lịch, dịch vụ ẩm thực lớn với các vùng nông – lâm và sinh thái đặc thù; có cảnh quan và môi trường tốt.

Phương Hiển (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.