Miếng bánh 30.000 tỷ đang thiu
Gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở trị giá 30.000 tỷ được triển khai từ 1/6. Với lãi suất cho vay áp dụng tối đa là 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với khách hàng là cá nhân và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp, gói hỗ trợ trở nên thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, quá nhiều rào cản trong tiếp cận khiến gói hỗ trợ đang dần mất đi tính cạnh tranh, chưa đạt hiệu quả cao.
Ban đầu, gói tín dụng này được coi là "thần dược" để giải cứu thị trường bế tắc bấy lâu nay. Tuy nhiên, sau gần một năm "cấp thuốc" thì dường như, đơn thuốc này "chống chỉ định" với nhiều đối tượng. Hiện lượng người dân, dự án, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này chỉ vẻn vẹn trên đầu ngón tay. Mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản rầu rĩ cho rằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã thất bại hoàn toàn.
Để chứng minh cho điều này, nhiều doanh nghiệp đưa ra con số giải ngân nghèo nàn của chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở nửa năm triển khai. Tính chung cả con số giải ngân từ phía khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gộp lại đạt hơn 300 tỷ, chỉ nhỉnh hơn 1% tổng số tiền của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Thủ tục rắc rối khiến người dân, DN khó tiếp cận nguồn vốn ỗ trợ tín dụng 30.000 đồng (ảnh minh họa)
Mỗi lý do được xem là một rào cản, như vậy để tiếp cận được vốn thì doanh nghiệp, người dân đều phải tham gia vào cuộc thi vượt rào trong khi sức lực dường nhưng dã cạn kiệt. Doanh nghiệp gò mình sao cho vừa vặn với chiếc áo "30.000 tỷ" để dễ bán nhà, người dân cũng muốn tăng sức chịu đựng để vượt qua nhiều bước rào thủ tục xác nhận.
Rắc rối nhất là người mua nhà phải công chứng căn nhà hình thành trong tương lai, nhưng thực tế thì chẳng có Phòng Công chứng nào dám làm thủ tục này vì nó trái quy định pháp luật hiện hành. Thêm vào đó, người vay tiền cần ra phường xác nhận là: thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở dưới 8m2/người. Tuy nhiên, rất ít nơi chịu xác nhận với lý do: ở phường này chưa có nhà nhưng có nhà ở phường khác thì sao?
Tình trạng rối rắm từ người có nhu cầu vẫn chưa giải quyết xong thì thêm một lý do được các cơ quan ban hành, triển khai đưa ra để lý giải cho việc chậm trễ giải ngân. Cụ thể, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích, gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Và muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70 m2 khi nhu cầu của người dân rất lớn.
Gói hỗ trợ nhà ở xã hội là một chủ trương tích cực được nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kỳ vọng. Nhưng nếu các bộ, ngành chức năng không tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn thì một căn hộ vẫn mãi là mơ ước của người thu nhập và thị trường bất động sản - phân khúc bình dân vẫn ì ạch vì cung - cầu không gặp nhau
Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 18 nhằm nới điều kiện để người dân dễ tiếp cận hơn trong vấn đề vay gói tín dụng ưu đãi, trong đó không bắt buộc nhất thiết phải xác nhận thu nhập, trừ khi ngân hàng yêu cầu.
Tuy vậy, nói về việc nới lỏng nửa vời này GS Đặng Hùng Võ nhận định "đã là quy định thì phải rõ ràng, không thuộc thẩm quyền của bất kỳ ai. Nếu đã nới mà còn phụ thuộc vào sự cho phép của ngân hàng là quy định pháp luật không tốt, tạo điều kiện cho một cơ hội có thể tham nhũng, có thể không ủng hộ người nghèo. Đừng trao thẩm quyền cho bất kỳ một ai trong quá trình thực thi pháp luật sẽ là tốt hơn".
"Việt vị" với nhà ở xã hội
Trong khi nhà ở thương mại đang làm khó người mua với giá và diện tích đang ở mức cao. Chủ đầu tư cũng vướng thanh khoản khi thị trường đã không mấy ủng hộ mặc dù chính sách hỗ trợ cũng tương đối. Việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội bán ưu đãi cho những đối tượng ưu tiên sẽ thỏa mãn được phần nào nhu cầu người có nhu cầu về nhà ở. Tuy vậy, sau những đợt phát động rầm rộ hi vọng tạo được thanh khoản trên thị trường thì nay hầu hết người dân và doanh nghiệp "việt vị" với chính sách này.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 10/2013, trên phạm vi cả nước có 96 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với quy mô 31.850 căn hộ, tổng mức đầu tư 8.820 tỷ đồng. Trong số này, có 34 dự án cho người thu nhập thấp, quy mô gần 18.800 căn hộ và 62 dự án cho công nhân, quy mô xây dựng 13.000 căn hộ.
Nhà ở xã hội ì ạch như hiện tai được xác định là nguồn cung không đủ đáp ứng cho người có nhu cầu. Thời gian đầu khi chính sách về nhà ở xã hội được ban bố, nhiều doanh nghiệp đã nhìn phân khúc này như là một lối thoát khả dĩ. Đa số doanh nghiệp bất động sản chớp thời cơ, xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng không hẳn là điều dễ dàng với hàng loạt thủ tục và tiêu chuẩn.
Trong khi đó, việc tiếp cận với loại nhà ở này cũng trở nên khó khăn hơn vì giá nhà và mức thu nhập hiện tại của đối tượng thụ hưởng. Số lượng sản phẩm nhà ở xã hội quá ít khiến người có nhu cầu vay mua không dễ dàng được giải ngân. Lý giải này dễ dàng đổ lỗi cho câu chuyện tiền tín dụng đang phải nằm yên chờ hàng.
Tại TP.HCM, phần lớn dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được tham gia vay vốn gói 30.000 tỷ đồng là những dự án mới, phải đến năm 2015 mới có sản phẩm, trong khi rất nhiều dự án đang xây dựng dở dang sẵn sàng bán lỗ không được xét cho chuyển sang nhà ở xã hội. Điều này không chỉ đi chệch hướng Nghị quyết 02 mà còn làm lãng phí nguồn lực xã hội, không tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thông tư 18/2013 của Bộ Xây dựng về việc muanhà ở xã hội đã mở rộng cửa cho nhiều đối tượng có thể mua nhà ở giá thấp. Bộ Xây dựng quy định người vay tiền mua nhà ở xã hội không phải chứng minh thu nhập nhưng ngân hàng lại yêu cầu chứng minh.
Ông Vũ Ngọc Kình - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh TP.HCM - cho biết: Bộ Xây dựng chỉ quy định các điều kiện được vay vốn, không bắt xác nhận thu nhập. Song phía ngân hàng nhất thiết phải xác định khách hàng có khả năng trả nợ hay không. Ông Kình lý giải rằng việc chứng minh khả năng trả nợ là việc thông thường. Bất kỳ một hồ sơ nào, khi quyết định cho vay, ngân hàng cũng dựa vào hai yếu tố chính: nhu cầu vốn của khách hàng và khả năng trả nợ của họ. Nếu thu nhập thấp, khách hàng muốn vay 80% giá trị căn nhà thì khả năng trả nợ rất khó".
Nhìn nhận về vấn đề này ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: "Nghị quyết 02 là liều thuốc cuối cùng của BĐS, trong đó, tôi tin rằng việc chuyển đổi căn hộ mới là liệu pháp hữu hiệu nhất, chứ không phải gói 30.000 tỷ. Nhưng bây giờ 30.000 tỷ mới giải ngân được 1%, còn chuyển đổi căn hộ lại bằng 0, thị trường bất động cũng không có gì khó hiểu".