Trong một nỗ lực được coi là vớt vát tiến độ thực hiện, mới đây, TP. Hà Nội đã yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị làm văn bản đề nghị thay thế nhà thầu Vinaconex 2 tại Gói thầu số 4, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, do năng lực yếu kém.
Sở dĩ phải nói là “vớt vát”, bởi lẽ, với thực tế không có mặt bằng và thiếu vốn khiến việc thi công tại một số điểm bị đình trệ nhiều tháng nay, thì để đảm bảo tiến độ các đoạn tuyến của Dự án Đường sắt đô thị, việc thay thế nhà thầu yếu kém là chưa đủ. Theo kế hoạch, công tác xây lắp và cung cấp thiết bị dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử trong quý II/2015 và vận hành đoạn tuyến này vào cuối năm 2015, nhưng đến thời điểm này, sau gần một năm thi công và với tiến độ thi công hiện tại, tính khả thi của kế hoạch trên đang ngày một xa vời.
Với quyết tâm thúc đẩy tiến độ Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, cuối tháng 8/2012, Hà Nội đã yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội thống nhất ký vào bản thỏa thuận quy hoạch đoạn tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, với điểm đầu xuất phát tại Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra) và điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Toàn tuyến có 10 nhà ga (3 ga trên cao và 7 ga ngầm). Đề-pô rộng 17 ha đặt tại Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Đúng như đánh giá của các kỹ sư thiết kế, đây là đoạn tuyến gặp nhiều khó khăn nhất trong việc thông qua chỉ giới quy hoạch, bởi chạy qua hàng loạt tuyến phố cổ của Hà Nội và khu vực Hồ Gươm. Việc triển khai thi công đoạn tuyến này sẽ đặt ra nhiều thách thức, khi có hơn 2/3 chiều dài tuyến đường đi ngầm dưới khu vực phố cổ Hà Nội, với nền địa chất vô cùng phức tạp.