Luật Đất đai năm 2003 và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 ra đời, bên cạnh những ưu điểm nổi bật đã dần bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi. Ngày 21/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành Rà soát Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật và xin ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, đại diện cơ quan nhà nước… về nội dung của các Báo cáo.

Cố tình đánh tráo khái niệm?


Đối với Luật đất đai, các chuyên gia cho rằng điều bất hợp lý nhất đó là chưa có sự thống nhất về sở hữu đối với đất đai. Trong khi Hiến pháp và Luật đất đai xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là nguời đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý thì trong Bộ Luật dân sự xác định đất đai thuộc hình thức sở hữu Nhà nước. Có ý kiến nên sử dụng hình thức sở hữu Nhà nước bởi hình thức chủ sở hữu toàn dân là đối tượng khó xác định, hư ảo. Tuy nhiên cũng có ý kiến lại cho rằng đó chỉ là vấn đề câu chữ, cần được chỉnh sửa cụ thể hơn.


Ông Trương Thanh Đức – PTGĐ Maritime Bank cho rằng, đối với vấn đề sở hữu đất đai, Báo cáo Rà soát dành 2 trang phân tích về vấn đề đầu tiên này, tuy nhiên chỉ khuyến nghị bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân” để sử dụng duy nhất khái niệm “sở hữu nhà nước”. LS Đức nói: ”Thực ra, sở hữu “toàn dân” hay “nhà nước” thì thực chất cũng vẫn chỉ là sách vở, chẳng có gì thay đổi”.


Lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa cũng vẫn không thoát khỏi tù mù, nhập nhằng, bất cập. ”Nếu cho rằng quyền sử dụng đất hiện nay cũng chẳng khác gì quyền sở hữu, thì sao cứ phải cố tình đánh tráo khái niệm?”


Một số đại biểu còn đánh giá, cơ chế quản lý tài chính đất đai cũng chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Việc định giá đất nhìn chung chưa đảm bảo nguyên tắc sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường làm cho giá đất theo khung giá do Nhà nước quy định với giá thực tế còn chênh lệnh khá cao dẫn tới khiếu kiện, thu hồi đất thường xuyên xảy ra.


Các luật liên quan tới bất động sản mâu thuẫn nhau


Cũng tại hội thảo, báo cáo rà soát Luật kinh doanh bất động sản đã được đưa ra thảo luận. Ông Phạm Sĩ Liên - Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay, việc đánh giá các hiệu chế về chính sách và pháp luật trong lĩnh vực bất động sản trong báo cáo còn có những khó khăn, vướng mắc: những quy định trong các luật khác nhau có liên quan tới bất động sản không thống nhất với nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Không chỉ trong các luật, tình trạng phân tán, chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn như vậy còn tồn tại trong các nghị định, thông tư của các Bộ, ngành và văn bản pháp quy của các địa phương.


Không những thế, quy trình thủ tục hành chính phức tạp, nhiều cửa, các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy chính quyền chưa được khắc phục triệt để. Do có sự phân tán trong quản lý nên nhiều cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin và nộp hồ sơ về cùng một chủ đề; đồng thời, hạn chế sự trao đổi thông tin giữa họ với nhau.

Theo Hồ Hường (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.