Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Long An sẽ phát triển trên cơ sở phân chia tỉnh thành 3 vùng, với 3 chức năng riêng biệt, vừa đảm bảo tăng trưởng nhanh thông qua phát triển công nghiệp, vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát huy vị trí đặc biệt về giao thông thủy-bộ, Long An được quy hoạch để trở thành cửa ngõ và điểm giao thoa không chỉ giữa Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn giữa vùng với các nước trong khu vực, gồm Campuchia và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Bên cạnh đó, Long An sẽ bổ sung chức năng đô thị cho TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các huyện Tân An và Bến Lức sẽ chuyển thành các khu đô thị hiện đại, cạnh tranh và gắn kết với hệ thống giao thông hiện đại như xe buýt nhanh và đường sắt nhẹ. Khu vực đô thị mới dự kiến sẽ đóng vai trò là nền tảng cho các hoạt động kinh tế của tỉnh cũng như của TP. Hồ Chí Minh, thu hút du khách và nhà đầu tư.
Ngành công nghiệp sẽ được ưu tiên phát triển tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc. Trong đó, sẽ chọn lọc và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với một số ngành nghề mới nhằm tạo ra ngành mũi nhọn cho tỉnh.
Hệ thống 2 con sông Vàm Cỏ không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp và là nguồn cấp nước quan trọng của tỉnh mà còn là vùng đệm có chức năng phòng chống thiên tai, tạo không gian mở và cảnh quan du lịch. Nếu vùng đệm này được quy hoạch và phát triển tốt sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy quản lý môi trường hiệu quả mà còn giúp tăng cường bản sắc và sức hấp dẫn riêng của tỉnh.
Vùng Đồng Tháp Mười vẫn là vùng nông nghiệp quan trọng với nền sản xuất lúa nước và ngành nông nghiệp đa dạng, đồng thời cung cấp hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ công cộng tốt hơn cùng với các trung tâm đô thị nhằm nâng cao điều kiện sống và các hoạt động ở khu vực nông thôn.
Do có vị trí địa lý khá thuận lợi, giáp với TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lại có 133 km đường biên giới giáp với Campuchia, nên Long An vừa là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Long An có đủ mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp (với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp hơn 15.000 ha đến năm 2020 và kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện), cũng như nông nghiệp, dịch vụ. |