Vô tư vỡ quy hoạch
Mới đây, đại diện hơn 700 hộ dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Tổng Cty Vinaconex làm chủ đầu tư bức xúc đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua và đến nay vẫn chưa dừng lại.
Cụ thể, tại lô đất trước đây vốn được phê duyệt trở thành Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ, có chiều cao trung bình 2,81 tầng, chủ đầu tư mới đề xuất xây một công trình cao 18 tầng, 3 tầng hầm với mật độ xây dựng 50%. Để hợp thức hoá quy hoạch này, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo số 186/TB-VP về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội thống nhất nguyên tắc cho điều chỉnh quy hoạch, cho Vinaconex xây tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 18 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Đại diện cư dân cho biết: “Đề xuất này của Vinaconex đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận. Việc xây dựng công trình cao tầng này trong khu đô thị đã quá tải về dân số, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, trong khoảng không gian chật hẹp giữa các tòa nhà cao tầng sẽ càng gây áp lực cho cuộc sống của cư dân”.
Đây không phải là lần đầu quy hoạch khu đô thị này bị điều chỉnh. Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Ba năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà nhà lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng. Và sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng ở đây tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 đến 34 tầng.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Ban đầu tư, Tổng Cty Vinaconex cho biết, phần diện tích hiện là Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ mới đây đang được xin phê duyệt để xây toà nhà 18 tầng. “Khi xây dựng xong, công trình này sẽ không làm tăng dân số cơ học của khu đô thị bởi công trình có công năng là văn phòng cho thuê, không phải căn hộ để ở. Đề xuất của chúng tôi là đầu tư toà nhà cao 18 tầng, 3 tầng hầm đỗ xe. Tuy nhiên, sau đó, một số ý kiến cho rằng, khu vực này đang bị thiếu bãi đỗ xe nên chúng tôi đã thay đổi đề xuất theo hướng ngoài làm 3 tầng hầm thì sẽ dành thêm 5 tầng nổi để làm bãi đỗ xe thông minh”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, toàn bộ toà nhà ở Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính nếu công trình toà nhà văn phòng 18 tầng xây dựng sẽ cung cấp khoảng 500 chỗ đỗ xe cho cư dân trong khu đô thị. Ông Thắng xác nhận Vinaconex đã 2 lần phối hợp với chính quyền tổ chức xin ý kiến về toà nhà (lần 1 vào ngày 12/1/2019 và 18/2/2019), song hầu hết ý kiến cư dân đều phản đối.
Ðất công biến mất, nhà cao tầng mọc lên
Cư dân khu Ngoại giao đoàn phản đối chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch.
Còn tại khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cư dân cũng ngã ngửa vì việc điều chỉnh quy hoạch tại đây. Khu đô thị được công bố là có mật độ xây dựng chỉ 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa. Tuy nhiên, giờ đây quy hoạch đã bị thay đổi kiểu nhồi chung cư, khu công cộng biến mất.
Ông Cao Xuân Tùng, Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 cho biết, suốt thời gian dài hơn một năm qua, cư dân khu Ngoại giao đoàn đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 6/3/2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc mới có giấy mời họp tới đại diện cư dân và các cấp chính quyền để trao đổi về điều chỉnh quy hoạch.
Ông Tùng cho biết thêm, trước đó, Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu Ngoại giao đoàn với việc thay đổi công năng, tăng mật độ xây dựng. Cụ thể, một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng mật độ xây dựng, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp 3 lần. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm… Đặc biệt, một số lô có chức năng xây dựng trạm biến thế điện, không được xây dựng tầng cao nhưng nay bị điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng cộng 2 tầng hầm.
Ông Tùng cho hay, cuộc họp trên diễn ra vào ngày 14/3 vừa qua dưới sự chủ trì của ông Ngô Quý Tuấn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc và đầy đủ các thành phần kể cả đại diện chính quyền quận Bắc Từ Liêm, chủ đầu tư Hancorp và đại diện cư dân.
“Cư dân tham gia cuộc họp đều có ý kiến đúng như đơn kiến nghị đã gửi tới lãnh đạo thành phố, trong đó đề nghị giữ nguyên quy hoạch cũ đã duyệt theo quyết định 368/QĐ-UBND ngày 22/2/2010 của UBND TP Hà Nội. Quá trình điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến của cư dân, vì thế bây giờ cần phải lấy lại ý kiến của cư dân”, ông Tùng cho hay.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng ghi nhận các kiến nghị của cư dân. Sở yêu cầu chủ đầu tư Hancorp chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND phường Xuân Tảo rà soát, giải trình bằng văn bản gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để báo cáo UBND TP.
Thực tế, nhiều chủ đầu tư cố tình lừa gạt dân, khách hàng mua nhà công bố quy hoạch một đường, làm một nẻo…đã phải trả giá đắt. Công ty Cổ phần Quảng cáo và Xây dựng Địa ốc Việt Hân, chủ đầu tư dự án Goldmark City tại 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội sau khi ra sức lừa dối về quy hoạch xây trung tâm thương mại, đường nội khu… đã không bán thêm được cả hàng trăm căn hộ đã xây dựng từ gần 3 năm qua. Đến nay, Công ty Việt Hân vẫn chưa thôi ý đồ biến trung tâm thương mại thành tòa nhà 40 tầng thứ 10, dù lãnh đạo TP Hà Nội đã ra công văn buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến cư dân.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm soát chặt chẽ việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trong khu vực nội thành, nội thị về số tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, quy mô dân số, diện tích đất công trình giao thông, đảm bảo khả năng đáp ứng, kết nối giao thông đô thị. Cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát việc đảm bảo quy định về diện tích, số lượng vị trí đỗ xe trong công trình xây dựng, chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện. |
-
Vinaenco: Bê bết từ “Chân trời mới” tới Ngoại giao đoàn
Từ New Horizon đến dự án tại Khu Ngoại giao đoàn, Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) đều có những động thái khiến các khách hàng cảm thấy bị chèn ép.