Nông dân không còn đất canh tác, chính quyền thiếu đất dịch vụ để cấp cho dân nhưng vẫn còn hàng trăm héc-ta đất dự án bỏ hoang tại xã An Khánh (Hoài Ðức).
Tính đến tháng 5-2013, trên địa bàn thành phố có hơn 77.500 hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được giao đất dịch vụ với 790 ha đất. Tuy nhiên cho đến nay, các quận, huyện, thị xã mới giao đất dịch vụ cho hơn 9.000 trường hợp, tương ứng với hơn 48 ha đất, được hơn 6%, quá thấp so với nhu cầu của người dân. Trong số các quận, huyện làm tốt, nổi bật nhất là huyện Ðan Phượng bàn giao được hơn 90%, cơ bản hoàn thành giao đất dịch vụ cho người dân, quận Hà Ðông đạt khoảng 20%. Các đơn vị còn lại có tỷ lệ giao đất rất thấp. Một số huyện Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Ðông Anh... chưa chuẩn bị xong quỹ đất, chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật..., chưa giao đất dịch vụ cho người dân.
Ðại diện lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết, với gần 2.500 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, số hộ gia đình, cá nhân được hưởng chính sách đất dịch vụ là gần 10 nghìn trường hợp. Tổng diện tích đất dịch vụ khoảng 38 ha, nhưng huyện mới có 7,5 ha đất sạch. UBND thành phố vừa phê duyệt cho huyện thực hiện tiếp hơn 29 ha, cơ bản bảo đảm quỹ đất dịch vụ. UBND huyện đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu đất, nhưng vẫn chưa thể giao đất cho người dân do những vướng mắc liên quan đến đối tượng được hưởng đất dịch vụ. Còn đối với huyện Thạch Thất, với 37 dự án, gần 5.500 hộ được xét cấp đất dịch vụ, tương đương gần 155 ha đất, hiện nay huyện đã xét duyệt được hơn 50% số trường hợp có nhu cầu; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ tại xã Phùng Xá rộng hơn 15 ha... Tuy nhiên, do thủ tục thực hiện dự án mất quá nhiều thời gian, từ việc chờ đợi quy hoạch chung, đề nghị chấp thuận dự án, cắm chỉ giới đường đỏ..., ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện cho nên chính quyền rất "khó ăn, khó nói" với người dân. Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật sáu khu đất dịch vụ, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, giải quyết giao đất dịch vụ cho hơn 1.200 hộ dân, nhưng chưa được thành phố bố trí vốn.
Ở một số quận, huyện khác, những vướng mắc chung quanh công tác xét duyệt đối tượng, hạn mức giao đất dịch vụ chưa thống nhất dẫn đến người dân so bì, thắc mắc. Nhiều hộ dân được giao diện tích đất nông nghiệp lớn, đã chia cho các con canh tác, nhưng chưa làm thủ tục chia tách theo quy định, đến khi bị thu hồi đất lại đề nghị được giao đất dịch vụ theo số hộ đã chia tách...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, đến nay tổng số diện tích đất dịch vụ trên địa bàn thành phố đã có quyết định thu hồi đất, gồm cả diện tích để xây dựng hạ tầng kỹ thuật là hơn 730 ha, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu, trong đó, gần 60 ha đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Còn lại hơn 420 ha chưa giải phóng mặt bằng. Tổng số diện tích đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gần 260 ha và quỹ đất chưa xây dựng xong hạ tầng hơn 470 ha... Quỹ đất dịch vụ còn thiếu gần 300 ha. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố phải hoàn thành công tác giao đất dịch vụ trong năm 2013, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai đối với UBND các quận, huyện, thị xã. Cụ thể, đối với các dự án đã hoàn thiện công tác xây dựng hạ tầng, UBND các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương lập phương án, tổ chức công khai phương án và giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân, bảo đảm hoàn thành trong quý II năm nay. Ðối với các khu đất đã có quyết định giao đất, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong quý II..., nhưng tiến độ thực hiện còn chậm trễ.
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện giao đất dịch vụ hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật rất chậm trễ. Một số doanh nghiệp được giao đất, đã hoàn thành dự án, nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ giao đất dịch vụ cho người dân. Thậm chí doanh nghiệp còn lấy lý do thị trường bất động sản trầm lắng, lượng hàng tồn kho lớn để kéo dài thời gian, thoái thác trách nhiệm ứng vốn để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ. Theo tính toán sơ bộ, chỉ riêng số tiền giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng phần diện tích đất dịch vụ còn thiếu gần 300 ha cần khoảng 4.700 tỷ đồng. Ngoài ra một số quận, huyện còn chưa tập trung cao độ cho công tác này, né tránh trách nhiệm giao đất dịch vụ cho người dân.
Việc bàn giao đất dịch vụ đối với người dân bị thu hồi đất là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhưng trách nhiệm thuộc chính quyền các quận, huyện, thị xã. Vì thế, UBND thành phố cần tiếp tục yêu cầu UBND các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2013. Ðối với những khu đất đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cần khẩn trương xét duyệt, lập và công khai phương án để bàn giao đất cho người dân. Các sở, ngành liên quan tích cực vào cuộc, rà soát, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các quận, huyện, thị xã liên quan đến vị trí đất, công tác giải phóng mặt bằng; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ...