10/06/2014 8:09 AM
Sau hơn một năm, những hào hứng ban đầu đối với gói tín dụng 30.000 tỉ dành cho bất động sản gần như đã biến mất. Khoảng 1.000 tỉ được giải ngân, bằng 1/10 kế hoạch đặt ra, đủ chứng minh sự thất bại của một chính sách tín dụng.

Người dân không còn nuôi hy vọng vay tiền từ gói này vì quá nhiều thủ tục không dễ vượt qua; nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) lúc đầu coi đây như một giải pháp, hào hứng chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội, nhà giá rẻ thì nay đang phải cậy cục trả lại.

Thực ra, trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng, đe dọa sự an nguy của nhiều thị trường khác, việc bơm tiền ra thị trường, gói 30.000 tỉ, có mục tiêu vừa hỗ trợ người nghèo vừa giúp DN là một ý tưởng thông minh. Nhưng cách triển khai thì thực sự khiến người ta phải nghi ngờ. Có 2 điểm chính dẫn đến sự thất bại của chính sách này và nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ còn phát sinh hệ lụy.

Thứ nhất, trong khi thị trường đóng băng, giá nhà giảm mạnh, cung vượt cầu, đối tượng chính của gói tín dụng phải là khách hàng, nghĩa là cho vay để mua nhà, thì lại tung tiền ra để xây nhà (dù là nhà ở xã hội, nhà giá rẻ). Các DN nháo nhào tìm cách chuyển đổi dự án, các địa phương thì không muốn giải quyết (do phải trả lại tiền sử dụng đất), vô hình trung đẩy thị trường vốn đang khó, vào thế bất ổn; DN đang ngắc ngoải lại càng khó khăn do phải thực hiện thêm nhiều thủ tục.

Thứ hai, câu chuyện muôn thuở, ấy chính là xung đột lợi ích. Đề xuất gói tín dụng là Bộ Xây dựng, với mong muốn duy ý chí “cứu thị trường BĐS”, nên câu từ văn bản cũng đều nặng về mệnh lệnh hành chính. Trong khi, thực hiện lại là các ngân hàng thương mại - nơi mục tiêu lợi nhuận chi phối mọi hoạt động. DN vay lãi suất cao cắt cổ cũng còn đang khó huống gì bảo họ cho người nghèo vay không thế chấp, cho DN vay lãi suất thấp để làm nhà bán.

Đáng tiếc, việc thiết kế chính sách chỉ để “đẹp lòng” dư luận như thế này không phải là hiếm. Nghe ra thì thật là hay, nhưng nó không thể hoặc không được thực thi trên thực tế. Với gói 30.000 tỉ cho BĐS, sự thật, hệ thống các quy trình, thủ tục bày ra, chả khác nào thách người dân và DN leo cột mỡ. Từ quy định xác nhận về diện tích nhà ở, thu nhập để vào diện vay vốn, đến điểm cốt tử là chứng minh khả năng trả nợ, cho thấy người giải ngân không muốn cho họ vay tiền.

Nếu thực sự muốn giúp người thu nhập thấp mua nhà sẽ rất dễ. Cách tốt nhất là cho vay dựa trên khối lượng thanh toán. Chẳng hạn, người dân chỉ cần có xác nhận của chủ đầu tư là mua một căn hộ có giá 600 triệu đồng sẽ được vay ưu đãi. Giá trị thanh toán càng cao thì hỗ trợ càng giảm. Thị trường thì phải có các biện pháp thị trường để quyết định, chính quyền không cần phải chỉ người dân phải mua nhà ở đâu, bao nhiêu tiền và càng không cần liên quan đến việc xét hồ sơ vay. Nếu như vậy 30.000 tỉ chứ 300.000 tỉ cũng sẽ giải ngân nhanh chóng, do nhu cầu về nhà ở sự thực là rất lớn.

An Nguyên (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.