Chiều 31/3, tại TP HCM. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội khoá XIII phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về Luật Xây dựng (sửa đổi).
Chủ trì hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), ông Phan Xuân Dũng Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, lãnh đạo UBND TP HCM và đại diện Sở Xây dựng một số địa phương phía Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Luật Xây dựng 2003 quy định phạm vi việc điều chỉnh đối với các hoạt động xây dựng nhưng toàn bộ nội dung của Luật lại phản ánh quá trình đầu tư xây dựng công trình từ khâu lập quy hoạch xây dựng, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Như vậy, giữa phạm vi điều chỉnh và nội dung các quy định của Luật Xây dựng năm 2003 chưa đảm bảo tính thống nhất, do đó việc xem xét sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và các quy định của Luật là cần thiết.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Qua nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và tham khảo một số quốc gia, Chính phủ và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Luật Xây dựng (sửa đổi) quy định phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư xây dựng xuất phát từ những yêu cầu, lý do sau đây:
Thứ nhất, quá trình tạo lập công trình xây dựng là sự kết hợp giữa các yếu tố về vốn, đất đai, sức lao động, vật liệu xây dựng, xe máy thiết bị thi công.
Thứ hai, quá trình đầu tư xây dựng công trình hình thành nên mối quan hệ nhiều mặt giữa các chủ thể tham gia như chủ đầu tư (là người bỏ vốn hoặc được giao quản lý sử dụng vốn), tư vấn xây dựng và nhà thầu thi công xây dựng (là người thực hiện các hoạt động xây dựng).
Thứ ba, quy định hoạt động đầu tư xây dựng chính là sự kế thừa và nhất quán với các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta từ trước đến nay.
Do những nguyên nhân trên, Hội thảo về Dự án Luật Xây dựng dự thảo đã tập trung vào các vấn đề sau:
Đổi mới phương thức quản lý và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng tiền kiểm ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng.
Đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng. Khắc phục tình trạng nợ đọng kéo dài, không bình đẳng trong xã hội giữa chủ đầu tư và người làm thuê.
Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp phép xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép.
Xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và phân công, phân cấp cụ thể hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các bộ, ngành, địa phương.
Các đại biểu tham dự đã có những ý kiến đóng góp và Ban Soạn thảo Luật Xây dựng tiếp thu ý kiến đóng góp tại Hội thảo để xem xét đưa vào Luật.
Mai Thanh – Cao Cường (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.