Theo đó, Oxfam sẽ lấy ý kiến của 1.200 nông dân, doanh nghiệp, nông - lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức chính trị xã hội và đại diện một số chính quyền địa phương tại 28 xã, 14 huyện và 4 tỉnh thành (Yên Bái, Quảng Bình, Long An, An Giang). Quá trình tham vấn sẽ tập trung thu thập kinh nghiệm và khuyến nghị của nông dân sản xuất quy mô nhỏ, người nghèo, các nhóm yếu thế… liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi trong sử dụng đất, đất nông nghiệp cho đồng bào thiểu số, định giá đất, thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ tái định cư.
Những ý kiến đóng góp của người dân sẽ được Oxfam chuyển đến tay người hoạch định chính sách Việt Nam. Theo ông Andrew, những người nghèo và nhóm "yếu thế" thì đất đai là một tài sản quan trọng và là nguồn lực để đảm bảo an ninh lương thực và kế sinh nhai. Trong khi đó, các chính sách và việc thực hiện chính sách về đất đai hiện nay đang bộc lộ nhiều yếu kém, thường khiến nông dân sản xuất nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, mục tiêu của chương trình tham vấn là đảm bảo tiêu chí khi một chính sách thay đổi thì trước mắt, những đối tượng nghèo, yếu thế này phải được đảm bảo quyền lợi đầu tiên.