Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi bàn thảo đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng đường hầm qua sông Hồng

Trong cuộc họp về việc xây dựng cấp bách một số tuyến đường trên cao và nút giao thông tại trung tâm thủ đô để giảm ùn tắc vừa được tổ chức, UBND TP Hà Nội đã đưa ra bàn thảo đề xuất đầu tư xây dựng đường hầm qua sông Hồng dài khoảng 1,5 km, 4 làn xe, rộng khoảng 18 - 20 m, bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo và đi ngầm dưới sông Hồng (song song với cầu Chương Dương) sang quận Long Biên. Tuy nhiên, các chuyên gia về giao thông, xây dựng đều khẳng định đề xuất này là không sát thực tế.

“Quá lãng mạn”
Bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch - Xây dựng Hà Nội (đơn vị được TP giao nghiên cứu về hiệu quả của đề xuất nói trên), cho rằng việc làm cầu nổi sẽ rất khó khăn, tốn kém bởi phải giải phóng mặt bằng hai bên đầu cầu. “Hiện nay, cầu Chương Dương đã quá tải, cầu Long Biên định dịch chuyển lên phía Bắc, giữa cầu Vĩnh Tuy và cầu Chương Dương rất cần phải có thêm cầu. Tuy nhiên, Hà Nội đã có tới 6 - 7 cầu nổi. Nếu xây dựng cầu nổi, cần phải có quỹ đất và tốn kém hơn làm đường hầm rất nhiều, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng” - bà Ngân phân tích.
alt

Cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm – TP Hà Nội được xác định là điểm đầu của đề xuất hầm đường bộ qua sông Hồng. Ảnh: Đỗ Du


Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng đề xuất làm hầm đường bộ qua sông Hồng là “quá lãng mạn” và thiếu thực tế. Theo ông Liêm, các cây cầu qua sông Hồng đều phải làm cọc rất sâu, đến 30-40 m mới tới được nền đất sét hoặc đá.

Hai đơn vị xin đầu tư

Các quy hoạch xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt trước đây chưa đề cập phương án làm hầm qua sông Hồng, nhưng trong đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang trình duyệt có phương án quy hoạch phương án xây hầm qua sông Hồng tại vị trí bắt đầu từ cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản đề nghị đầu tư xây dựng hầm qua sông Hồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) của hai đơn vị là Công ty CP VinGroup và Công ty Trường An (Bộ Quốc phòng) hợp tác đầu tư với một số đối tác.

Với công nghệ hiện nay cũng có thể làm hầm qua nền đất yếu nhưng như vậy, thời gian thi công sẽ kéo dài và chi phí quá đắt. Hơn nữa, địa chất, địa tầng của lòng sông Hồng luôn biến đổi phức tạp, bắt buộc phải làm dưới tầng đất sét. “Hầm càng sâu thì đường dẫn hai bên hầm càng phải kéo dài khiến diện tích đô thị bị chia cắt khá rộng” - ông Liêm giải thích.
Bài toán chục ngàn tỉ đồng
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khẳng định việc xây dựng hầm qua sông Hồng là chưa cần thiết. TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Quy hoạch GTVT (Đại học GTVT Hà Nội), cho rằng không cần thiết phải có hầm qua sông Hồng ở vị trí như dự định vì công trình này nằm không xa cầu Chương Dương hiện hữu. Vả lại, cầu Vĩnh Tuy cách đó không xa chưa phát huy hiệu quả do đường dẫn vào cầu chưa hợp lý.
Ông Nghiêm phân tích: “Tôi không hiểu căn cứ vào đâu để đưa ra ý tưởng đó. Cầu Vĩnh Tuy làm mất hơn 4.000 tỉ đồng, đã ngốn rất nhiều mặt bằng. Nếu làm hầm thì chi phí gấp 4 lần, có thể vào khoảng 20.000 tỉ đồng là quá tốn kém. Đó là chưa tính đến hệ thống kết nối giao thông của hầm phức tạp hơn rất nhiều so với cầu. Xây dựng hầm phải làm đường dẫn vào nội đô, với mức đền bù giải phóng mặt bằng ở khu vực này khoảng 400 triệu - 500 triệu đồng/m2 liệu có khả thi không?”.
TS Khuất Việt Hùng lại cho rằng đây là dự án đắt tiền, không nên vì TPHCM có hầm thì Hà Nội cũng phải có hầm.
Cafeland.vn - Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland