Môi trường kinh doanh tại Hà Nội chưa đủ “thị trường hóa”?
Doanh nghiệp tư nhân đứng đầu về số thuế đóng góp và số lượng doanh nghiệp xuất hiện trong bảng này trong 3 năm trở lại đây là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có một xu hướng xuyên suốt là các doanh nghiệp nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn tại Hà Nội và các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần xuất hiện đông đảo hơn tại TP Hồ Chí Minh so với thành phố còn lại và so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Số doanh nghiệp V1000 thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội là 114 trong khi tại TP Hồ Chí Minh chỉ là 86. Ngược lại, có 115 doanh nghiệp V1000 tư nhân, cổ phần tại Hà Nội nhưng có tới 153 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy dường như môi trường kinh doanh tại Hà Nội vẫn chưa đủ “thị trường hóa” để các doanh nghiệp ngoài nhà nước có thể cạnh tranh tốt trong so sánh với TP Hồ Chí Minh. Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương sát sao trong việc thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những biện pháp thiết thực như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển SXKD, tiêu thụ sản phẩm, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó có phân công trách nhiệm cụ thể.
Tuy nhiên, tính chất thị trường cũng có thể giải thích việc sụt giảm số lượng doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong bảng này từ 376 năm 2010 xuống chỉ còn 313 năm 2012 do tình hình kinh tế khó khăn trong khi các con số này của Hà Nội lần lượt là 225 và 287.
Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng là 3 thành phố trực thuộc trung ương ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh có số lượng doanh nghiệp và đóng góp thuế lớn nhất sau Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh trong 3 năm liên tiếp. Nếu so sánh số liệu trong Bảng xếp hạng năm 2012, có thể thấy, Hải Phòng có số doanh nghiệp V1000 thuộc sở hữu Nhà nước chiếm số đông, trong khi Cần Thơ và Đà Nẵng có số doanh nghiệp ngoài Nhà nước lớn hơn các loại hình còn lại. Tại Bình Dương, các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần chiếm tỷ trọng lớn hơn số doanh nghiệp Nhà nước; trong khi đó, thực tế này là ngược lại tại Đồng Nai. Đáng chú ý, Bình Dương và Đồng Nai nằm trong Top địa phương đóng thuế lớn nhất nhờ đóng góp đáng kể từ các doanh nghiệp FDI.
Ngành xây dựng – bất động sản áp đảo các ngành kinh tế trọng điểm khác
Xét về tỷ trọng ngành nghề tại các địa phương trên, qua Bảng xếp hạng cũng cho thấy, 6/7 địa phương có số lượng doanh nghiệp V1000 thuộc ngành xây dựng - bất động sản nhiều áp đảo so với các ngành kinh tế trọng điểm khác. Trong khi đó, doanh nghiệp nông - lâm sản chỉ xuất hiện khiêm tốn tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương và Đồng Nai. Ngoài ra, ưu tiên của địa phương thể hiện khá rõ qua cơ cấu ngành nghề, như ngành thực phẩm tại Cần Thơ, Bình Dương và Đồng Nai, và vận tải tại Đà Nẵng và Hải Phòng.
Như vậy, có thể thấy kinh tế và nguồn thu ngân sách của các tỉnh, thành phố lớn phụ thuộc rất nhiều vào khu vực kinh tế bất động sản. Do vậy, sự trầm lắng của khu vực bất động sản trong thời gian gần đây sẽ dẫn theo những hệ lụy xấu tới nguồn thu ngân sách địa phương.
Đáng lưu ý, Bắc Kạn và Cao Bằng là 2 tỉnh miền núi khó khăn lần đầu tiên có mặt trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2012 với sự góp mặt của 1 doanh nghiệp ngoài nhà nước tại mỗi tỉnh và lần lượt thuộc ngành khai thác khoáng sản và thực phẩm. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn như hiện nay. Đồng thời, với thực tế các địa phương đứng top đầu không thay đổi nhiều trong 3 năm gần đây, chúng ta cũng có thể hy vọng vào sự lớn mạnh hơn trong tương lai của các địa phương “nhỏ” hơn, và sẽ có những địa phương bứt phá, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Sáng ngày 30/11/2012, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo Cáo Đánh Giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp Chí Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2012. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự giầu mạnh của đất nước. |