Theo đó, yêu cầu các dự án có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 sẽ phải dành tối thiểu 15% tổng diện tích đất của dự án để xây nhà ở cho thuê; tại đô thị loại 2, con số này là 10%. Các đô thị còn lại thì không bắt buộc mà khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê.
Thêm ưu đãi...
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, quỹ nhà ở cho thuê hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với số hộ dân có sở hữu nhà ở, tính chung cả nước chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân có sở hữu nhà ở. Quỹ nhà ở này được hình thành chủ yếu từ 2 nguồn, do nhà nước bỏ vốn đầu tư và nhà ở cho thuê do người dân tự đầu tư xây dựng không theo quy hoạch, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện ở tối thiểu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, có thực tế này là do chính sách khuyến khích ưu đãi xây dựng nhà ở cho thuê chỉ áp dụng đối với một số ít các đối tượng xã hội như học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp. Nhà nước chưa ban hành một chính sách riêng để khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê nhằm tạo ra một quỹ nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng trong xã hội.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất một số ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng nhà ở cho thuê như: miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế thu nhập DN từ hoạt động cho thuê nhà ở; vay vốn ưu đãi hoặc được bù lãi suất; được sử dụng tầng 1 nhà chung cư để kinh doanh thương mại nhằm giảm giá cho thuê nhà ở. Ngoài ra còn được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,3 lần so với tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành…
Cần “kích hoạt” DN tham gia
Nhu cầu nhà ở cho thuê là có nhưng các DN vẫn không mấy mặn mà vì theo lãnh đạo một DN, một dự án trên 10 ha thường là những dự án khu đô thị lớn, được quy hoạch, đầu tư bài bản nên giá sẽ rất cao. Nếu phải dành đất để làm dự án nhà ở xã hội cho thuê sẽ làm giảm giá trị dự án. Ngoài ra, do những người thuê nhà là những người thu nhập thấp, nên sẽ rất khó sống ở những khu đô thị lớn và ngược lại người có thu nhập cao cũng ngại “va chạm” với những người hàng xóm điều kiện sống thấp hơn. Vì vậy, nếu phải trích một phần diện tích đất làm nhà xã hội cho thuê thì DN sẽ lách quy định bằng cách chỉ xin làm dự án dưới 10 ha để tránh phải nộp 15% diện tích đất.
Không những thế, nếu phải bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư nhà xã hội cho thuê để sau đó "nhặt tiền lẻ", trong lúc khó khăn hiện nay thì DN sẽ “mặn mà” hơn trong trường hợp được giao đất hoặc thuê đất giá rẻ. Điều này cũng tương tự như đề án xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp (nhà giá rẻ), sau gần 3 năm triển khai rầm rộ, đến nay tổng số căn hộ được làm ra chỉ đạt... 1% kế hoạch. Nguyên nhân là do những ưu đãi mà nhà nước đưa ra các DN chưa “hấp thụ” được. Thậm chí có DN tham gia chương trình xây nhà xã hội đã phải làm đơn xin rút lui, trả lại ưu đãi cho nhà nước do những quy định quá nhiêu khê.
Bộ Xây dựng cũng đã thừa nhận những bất cập trên khi cho rằng, mặc dù luật Nhà ở năm 2005 có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, nhưng trong thời gian vừa qua các DN mới chỉ tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, kể cả bán cho các đối tượng xã hội với mục đích nhằm thu hồi vốn nhanh mà không chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê.
Dự thảo quy định diện tích căn hộ cho thuê gồm 2 loại: Đối với nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách thì diện tích sàn tối thiểu là 30 m2/căn và tối đa là 60 m2/căn. Đối với dự án do DN đầu tư xây dựng nhưng được hưởng các ưu đãi của nhà nước thì diện tích sàn tối thiểu là 25 m2/căn và tối đa là không quá 70 m2/căn, trong đó loại căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30 m2/căn có số lượng tối đa không vượt quá 15% tổng số căn hộ trong một tòa nhà. Đối với nhà ở thương mại cho thuê theo cơ chế thị trường thì diện tích sàn tối thiểu là 25 m2/căn và loại căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30 m2/căn có số lượng tối đa không vượt quá 15% tổng số căn hộ trong một tòa nhà |