06/10/2011 8:05 AM
Từ năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) tại quận 2, TP.HCM. Thế nhưng 15 năm sau, vì vướng mắc trong việc bàn giao mặt bằng khiến khu đô thị mới tầm cỡ này vẫn dậm chân tại chỗ.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Dây dưa mặt bằng... dậm chân tại chỗ

Vướng mắc giải phóng mặt bằng, dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm vẫn còn dang dở

Dây dưa đền bù


Theo quy hoạch, Thủ Thiêm sẽ trở thành khu đô thị mới hiện đại mang tầm cỡ quốc tế và là trung tâm kinh tế, tài chính, tập trung nguồn lực chất lượng cao của Việt Nam. Dự án được cắm mốc từ 15 năm trước theo Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đầu năm 2002, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định thu hồi 930ha diện tích khu đất thuộc KĐTMTT. Theo đó, có hơn 10.000 hộ dân cùng nhiều công trình lớn nhỏ chịu ảnh hưởng.


Từ tháng 8/2006, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hành động của KĐTMTT giai đoạn 2006-2010. Theo đó, trong 2 năm 2006- 2007 phải hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, bồi thường, thu hồi 657ha của khu đô thị và các khu tái định cư với diện tích 180 ha; Phấn đấu đến năm 2010 quy mô đầu tư đạt 40- 50% quy hoạch (tương đương 2,5- 3 triệu m2 xây dựng các khu nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ, trường học, bệnh viện).


Mặc dù vậy, cho đến nay, việc giải tỏa đền bù liên quan đến dự án vẫn chưa thể hoàn tất. Nguyên nhân của việc này do người dân liên tục khiếu nại chính sách đền bù không hợp lý.


Theo nhiều người dân tại khu vực này, KĐTMTT là dự án kinh doanh, không phải là dự án công ích nên về nguyên tắc người dân phải được đền bù theo giá thị trường. Tuy nhiên, hiện Thành phố lại dựa vào Nghị định 22 (đã hết hiệu lực) để làm căn cứ đền bù cho dân mà không bồi thường theo giá thị trường, trái với Luật Đất đai năm 2003. Mặt khác, hiện nay quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư bị giải tỏa KĐTMTT còn thiếu rất nhiều, trong khi đó, toàn bộ dự án có 15.363 hộ đủ điều kiện tái định cư.


Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, PGĐ Sở Xây dựng TP.HCM, trong tổng số 12.500 căn hộ cần xây dựng mới có khoảng gần một nửa số căn hộ được xây xong, số còn lại vẫn còn phải chờ. Do thiếu nhà để tái định cư nên thành phố phải chi tiền tạm cư cho người dân mỗi ngày lên tới hàng tỷ đồng.


Lãng phí lớn


Vào năm 2007, CT Tư vấn Edaw (Hoa Kỳ) đã hoàn tất kế hoạch đầu tư và tài chính KĐTMTT. Theo đó, Edaw đề xuất đầu tư cho Thủ Thiêm sẽ được chia làm 3 giai đoạn: sau khi hoàn thành 50% (khoảng 375 ha) hạ tầng khu đô thị của giai đoạn 1 (2007- 2010) gồm các tuyến đường chính và chuẩn bị mặt bằng. Giai đoạn 2 (2011-2015) tiếp tục giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư.


Bên cạnh đó, xây dựng thêm một số trường học và khu dịch vụ công ích như trung tâm triển lãm, khu thương mại. Tiếp tục xây dựng hạ tầng kết nối và hạ tầng cơ bản, hoàn thành việc đắp nền và chuẩn bị mặt bằng bàn giao toàn bộ cho Thủ Thiêm.


Đồng thời, giai đoạn này sẽ xây dựng các tuyến đường kết nối vùng và các tuyến đường chính nội vùng như cầu bộ hành, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4, đường vành đai qua khu dân cư... Còn giai đoạn 3 (2016 - 2020) hình thành nốt các công trình còn lại như khu quảng trường chính, khu phức hợp, khu căn hộ cao cấp, khu dân cư ven sông...


Mục tiêu “hoành tráng” như vậy nhưng do vướng GPMB nên không có “đất sạch” để giao cho nhà đầu tư. Chính việc chậm trễ trong công tác đề bù giải tỏa, xây dựng hạ tầng của KĐTMTT không những làm ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư vào khu vực này mà còn gây ra rất nhiều lãng phí cho Thành phố. Thời điểm cuối năm 2010, chỉ tính riêng lãi suất phải trả cho các tổ chức tín dụng mà Thành phố vay để thực hiện dự án KĐTMTT trung bình lên tới 4 tỷ đồng mỗi ngày.
Theo Đỗ Loan (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.