Đại diện lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, ngay trong tháng 7/2013, Quy chế quản lý công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội sẽ được trình UBND thành phố phê duyệt. Theo đó, sẽ hạn chế tối đa nhà cao tầng tại đây.

Tòa nhà “Hàm Cá Mập” trên phố Đinh Tiên Hoàng từng gây nhiều tai tiếng trong quản lý kiến trúc, tầng cao khu vực Hoàn Kiếm. Anh: Minh Tuấn.

Ép chiều cao ở phạm vi rộng

Theo Dự thảo Quy chế, với khu phố cổ, các công trình tiếp giáp mặt phố (lớp ngoài) không vượt quá 3 tầng (không kể gác lửng ở tầng 1), chiều cao tối đa đến đỉnh mái không quá 12m. Khu phố cũ tầng cao xây dựng đặc trưng từ 4-6 tầng (không quá 16-22m).

Cho phép lựa chọn một số địa điểm phù hợp về vị trí, đáp ứng đủ các tiêu chí hạ tầng (bãi đỗ xe ngầm, quảng trường xung quanh) để làm công trình điểm nhấn đô thị.

Các công trình này cần có đóng góp về không gian mở và cảnh quan chung cho đô thị như vườn hoa, vỉa hè lớn kết hợp với không gian công cộng. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận: tầng cao trên các tuyến phố xung quanh Hồ Gươm như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay, Tràng Tiền, Tràng Thi... công trình xây dựng mặt phố cao không quá 16m để không ảnh hưởng không gian Hồ Gươm.

Với khu vực Hồ Tây và phụ cận: Tầng cao khu vực giáp mặt nước Hồ Tây, trong phạm vi cách mép hồ (về phía đất liền) tối thiểu là 50m khi xây dựng công trình cần đảm bảo dành khoảng lùi tạo lối đi bộ và trồng cây xanh tạo cảnh quan chung.

Chiều cao và mật độ xây dựng các công trình giáp đường ven hồ cao không quá 3 tầng (tối đa 12m), chiều cao các công trình lớp sau phải tuân theo quy hoạch.

Cho phép xây dựng công trình điểm nhấn cao tầng phù hợp với quy hoạch dọc theo tuyến Yên Phụ, Âu Cơ, Lạc Long Quân - vành đai 2. Khu vực hạn chế phát triển: Tầng cao xây dựng đặc trưng từ 5-7 tầng, hạn chế xây dựng nhà cao tầng.

Sẽ xem xét lại nhiều dự án

Cũng theo dự thảo Quy chế quản lý, khu vực cho phép xây dựng công trình cao tầng gồm: Các điểm nút giao thông chính và điểm nhấn đô thị; các trục đường và tuyến phố chính; các khu vực tạo hình ảnh cho đô thị như ven sông Hồng từ nút giao Thanh Niên - Yên Phụ đến nút giao Vĩnh Tuy - vành đai 2; khu vực trên đường vành đai 2 ven Hồ Tây. Ngoài ra khu vực cho phép xây nhà cao tầng còn có quanh hồ Giảng Võ, khu vực Ga Hà Nội, khu vực Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Mạnh Tiến, Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, Quy chế quản lý công trình cao tầng này đã kế thừa Phân vùng cao tầng được báo cáo Thủ tướng trước đây. Với quy chế này, sẽ làm rõ chỗ nào được cao và cao bao nhiêu tầng.

Hiện nay Quy chế đã hoàn thiện dự thảo lần thứ 4, gửi Bộ Xây dựng cho ý kiến và sau đó sẽ trình UBND thành phố phê duyệt.

Với quận Đống Đa, Hai Bà Trưng thì phải tuỳ vị trí để xem xét theo các tiêu chí rất cụ thể, khoa học. Khu vực quận Ba Đình phải theo quy hoạch của trung tâm chính trị Ba Đình. Cũng theo ông Tiến, Hà Nội phải báo cáo Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt vì đây là cơ quan giám sát thực hiện Quy hoạch chung.

“Trong tháng 7 này sẽ báo cáo UBND thành phố. Với các dự án đang làm thủ tục thì đều phải xem xét lại theo đúng quy hoạch”-ông Tiến nói.

Dự thảo Quy chế quản lý công trình cao tầng trong nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) quy định hàng loạt khu vực không được xây dựng nhà cao tầng (9 tầng trở lên) gồm: Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình diện tích khoảng 134,4ha, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long diện tích 18,353ha, khu phố cổ diện tích 82ha, khu phố cũ diện tích 507,64ha, khu vực Hồ Gươm và phụ cận khoảng 63,72ha, khu vực xung quanh Hồ Tây diện tích 955,12ha và khu vực hạn chế phát triển có diện tích 2.122,647ha.
Minh Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.