Theo ông Nguyễn Khải, nguyên Vụ
trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - một trong những người
tham gia xây dựng Luật Đất đai 2003 - theo quy định tại Luật Đất đai
1993, nếu hết thời hạn giao đất mà người được giao tiếp tục có nhu cầu
và trong quá trình sử dụng đã chấp hành đúng pháp luật đất đai thì được
giao tiếp. Luật Đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành cũng có
thêm nội dung là “phù hợp với quy hoạch”. Tức đất đó vẫn dùng để phục
vụ sản xuất nông nghiệp, thì người dân vẫn tiếp tục được giao 20 năm
nữa. Vì vậy, nếu hiểu một cách máy móc rằng tới năm 2013 (hết thời hạn
20 năm) Nhà nước sẽ thu hồi đất là không đúng. Khi giao lại đất, địa
phương cần làm thủ tục nhưng sẽ rất đơn giản và không gây phiền hà gì
cho người dân.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội cũng là một trong những người tham gia chấp bút viết
tờ trình về thời hạn giao đất cho hộ gia đình và cá nhân khi xây dựng
Luật Đất đai 1993 cho biết thêm: “Hệ thống pháp luật về đất đai không có
câu nào nói phải dừng lại, tổng kiểm tra, tổng kiểm kê hay thu hồi hoặc
điều chỉnh lại. Lúc đó, năm 1993, tinh thần là đất nông nghiệp được
giao ổn định lâu dài qua các thế hệ để các thế hệ tôn tạo đất đó và đất
trở thành tài sản không những của Nhà nước, mà của cả người dân để họ
yên tâm, có thể kế thừa quyền sử dụng từ đời nọ qua đời kia”.
Tuy
nhiên, từ vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, để tránh hiểu lầm, cần khẩn
trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn. Ông
Nguyễn Khải nói: “Trước đây, chúng tôi đã từng đề nghị nên thống nhất
giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm cũng như lâu năm ở mức 50 năm,
chứ không phân ra 2 bậc (20 năm và 50 năm). Phải có thời hạn dài như thế
người nông dân mới yên tâm đầu tư lâu dài”.
Cùng vấn đề này,
ông Nguyễn Đình Quyền nhận định, để nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào
lĩnh vực nông nghiệp, thời hạn giao đất nên quy định ở mức 30 năm đối
với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và có thể nâng lên 70 năm hay 90
năm đối với đất trồng cây lâu năm. Đây cũng là quan điểm của GS-TSKH
Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ông cho
rằng nên bỏ thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp để tạo động lực
mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, làm xã hội nông thôn phát triển
và nông dân khá giả hơn.







