Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Đông Xuân mới xây cũng bị rơi vào quy hoạch dự án đô thị. Ảnh: M.T.
Với 24 dự án “treo”, đa phần là bất động sản, xã Tiến Xuân thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội) được cho là xã vùng núi nghèo có nhiều dự án treo, hoang hóa nhất cả nước! Trong đó, nhiều dự án bị treo gần chục năm qua, nhiều dự án khác đã có quyết định thu hồi đất gây khó khăn cho cuộc sống người dân và chính quyền nơi đây...
Xóm nào cũng có dự án
Văn phòng Ban quản lý Dự án khu đô thị Tiến Xuân.
Chúng tôi trở lại xã Tiến Xuân sau gần 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính ra toàn bộ tỉnh Hà Tây trước đây và một phần của tỉnh Hoà Bình, Vĩnh Phúc.
Đường nối từ đại lộ Thăng Long kéo dài đến trụ sở UBND xã Tiến Xuân xuyên qua nhiều thôn bản đậm màu đất vàng đỏ, lầy lội và rất khó đi. Dọc hai bên đường, hầu hết là những nếp nhà cũ kỹ chênh vênh trên sườn đồi từ hàng chục năm qua.
Ông Bùi Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, 80% người dân trong xã sinh sống bằng làm nương, trồng ngô, chăn nuôi thuần túy.
Theo Sở QHKT Hà Nội, Đông Xuân và Tiến Xuân nằm trong khu vực quy hoạch đô thị vệ tinh Hoà Lạc. Số phận các dự án tại hai xã này phải chờ đến khi có quy hoạch chi tiết đô thị Hoà Lạc mới rõ được. |
Cũng theo ông Tình, trước khi được nhập về Hà Nội, tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt tới 25 dự án, trong đó có dự án đã có quyết định giao đất, có dự án phê duyệt đầu tư và dự án đang nghiên cứu chi tiết. Hầu hết các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng biệt thự nhà vườn, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí.
“Xã Tiến Xuân thuộc diện vùng sâu, vùng xa. Xã có 18 xóm thì xóm nào cũng có dự án với tổng diện tích đất bị thu hồi hoặc cho phép lập dự án lên tới hàng ngàn hécta. Hầu hết đất canh tác của dân đều thuộc diện thu hồi làm dự án. Riêng dự án khu đô thị Tiến Xuân đã lấy của xã tới 400 ha”-ông Tình nói.
Bi kịch của đợt “tháo khoán đất” trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội với ông Nguyễn Xuân Hoà, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân dường như bây giờ mới ngấm! Ông Hoà cho hay, riêng khu đô thị Đông Xuân đã lấy đi của xã 900ha, bao gồm cả đất ở và đất canh tác.
Cả 9 thôn đều rơi vào vùng quy hoạch dự án. “Ngay cả trụ sở Đảng ủy - UBND xã cũng bị thu hồi làm dự án. Người dân thường xuyên hỏi chúng tôi là khi nào dự án triển khai nhưng chúng tôi thì biết hỏi ai?”- ông Hoà bức xúc.
... Làm khổ dân
Xã Tiến Xuân có số lượng dự án thuộc hàng nhiều nhất cả nước nhưng lãnh đạo xã này đang than khổ vì dự án treo. Lúc đầu, nhiều người dân thật sự đã ảo tưởng rằng, có dự án về là giàu nhưng sau đó mới ngã ngửa, vì với mức giá đền bù chỉ từ 16.000 đồng đến 35.000 đồng/m2 tuỳ thời điểm đối với đất canh tác thì số tiền thu được chẳng giúp gì cho cuộc sống của họ.
Theo nhẩm tính của dân địa phương, một gia đình có đến 1.000m2 bị thu hồi thì cũng chỉ được bồi thường 16 triệu đồng và có khi phải nhận làm nhiều đợt! “Lãnh đạo xã đã hỏi cấp trên nhiều lần nhưng được trả lời là đất vùng sâu tỉnh Hoà Bình thì mức đền bù chỉ chừng ấy thôi” - ông Tình nói.
Do mức đền bù thấp cộng với chính sách thiếu đồng bộ, hời hợt nên việc chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động bị mất đất tại đây cũng gần như là con số không.
Quá nhiều dự án “treo” được cấp tuỳ tiện không những không làm người dân Tiến Xuân khấm khá lên mà thực tế khiến cuộc sống của họ đã nghèo lại càng thêm khó khăn vất vả. Thực tế việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm sổ đỏ, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất đều không thể thực hiện.
UBND xã Tiến Xuân phản ánh: Một số chủ đầu tư, doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế cũng bị vạ lây vì chờ nhiều năm dự án vẫn chưa được triển khai trong khi đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với nhà nước. Cụ thể như trường hợp của Trường Đại học Hoà Bình và một số trường hợp khác. Ông Nguyễn Xuân Hoà, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân khẳng định, nhiều hoạt động của xã như xây đường, trường, trạm, hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất đều “án binh bất động” do quy hoạch “treo”.
Người dân cũng không yên tâm khi đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi trên phần đất đã quy hoạch làm dự án...Lãnh đạo UBND hai xã kiến nghị, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập quy hoạch phân khu để làm rõ những dự án nào được tồn tại, dự án nào phải hủy bỏ để nhân dân và địa phương biết.
Tận thấy những hậu quả từ hàng loạt dự án “treo” từng được cấp phép ồ ạt tại Đông Xuân, Tiến Xuân ngay trước ngày sáp nhập về Hà Nội, chúng tôi được nghe không ít tâm tư của dân rằng, không biết những vị lãnh đạo trước đây khi hạ bút ký duyệt cấp phép tràn lan dự án có kịp nghĩ đến hậu quả nhức nhối sau này không?
Hàng loạt dự án “treo” tại xã Tiến Xuân
Dự án khu đô thị Tiến Xuân của Cty TNHH MTV Sudico; Dự án của Cty CP phát triển đô thị Ánh Dương; Dự án khu biệt thự nhà vườn của Cty TNHH An Lạc; dự án của Cty CP Xây lắp thương mại Hoà Bình; Dự án khu biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng sinh thái Việt Nam; Dự án khu dân cư Đại Xuân; Khu đô thị Việt Hà; Dự án khu đô thị cao cấp; Dự án khu biệt thự, nhà vườn núi Voi...
-
Nếu thay "áo" mà không thay "máu", Grand Plaza sẽ lại... ế ẩm!
Khách hàng của TTTM được mệnh danh là "thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành" khẳng định: “Nếu Grand Plaza chỉ thay "áo" mà không thay "máu" thì đâu vẫn hoàn đấy”. <br/br>
-
Rối giá, loạn ”chênh” ở chung cư rẻ
Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường bất động sản trở nên sôi động khi nguồn cung căn hộ giá rẻ mua dưới hình thức đóng tiền theo tiến độ tăng mạnh.
-
Mượn cớ ban công xây 6 tầng không phép
Ban đầu chỉ là xin hộ liền kề tạo điều kiện cho xây dựng ban công hở cho thông thoáng, nhưng khi công trình đã hoàn thiện chủ công trình lập tức quây “chuồng cọp” bịt kín lan can, chiếm dụng khoảng không gian chung làm của riêng. Chỉ đến khi chính quyền địa phương vào cuộc, người ta mới vỡ lẽ, toàn bộ công trình là không phép…