Lạm phát năm nay là vào khoảng 18%
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, vẫn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ chặt chẽ. Ảnh: TL SGTT |
Tại buổi họp, ông Vũ Đức Đam, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong phiên họp kéo dài 3 ngày này, Chính phủ đã thảo luận sâu về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 cùng nhiều tờ trình, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Theo ông Đam, tại phiên họp, Chính phủ đánh giá, từ tháng 5 đến nay, tình hình kinh tế đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn: lạm phát tháng sau thấp hơn tháng trước, nhập siêu giảm, thị trường ngoại hối đi vào ổn đinh hơn... Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, nền kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, do những yếu kém nội tại của nền kinh tế.
Tại phiên họp, trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn
đề quản lý thị trường vàng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
cho biết, trong thời gian tới Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng trong
dân theo đề án mới về quản lý giá vàng. Về tín dụng hoạt động ngân hàng,
ông Nguyễn Văn Bình cho biết, vẫn thực hiện chính sách thắt chặt tiền
tệ chặt chẽ. Ông cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng hiện là
11,7 %, nếu năm nay chỉ tăng 17-18% thì so với bình quân các năm trước
vẫn còn cao hơn.
"Mức tăng 8 tháng vừa qua cũng là cao nên cũng không có
vấn đề là dồn toa trong các tháng cuối năm. Không nhất thiết phải tăng
trưởng tín dụng đúng 20% như đặt ra, do yêu cầu từ diễn biến nội tại của
nền kinh tế. Việc giảm lãi suất là yêu cầu của nền kinh tế và của cả hệ
thống ngân hàng", ông Bình nói.
Ông Bình tin rằng, thời gian tới có sự chuyển biến tích cực về mặt bằng lãi suất. Trả lời câu hỏi về nguyên nhân lạm phát từ chính sách tiền tệ, ông Bình thừa nhận có vấn đề của chính sách tiền tệ. "Lạm phát năm nay đã là khoảng 15%, cả năm sẽ vào khoảng 18% nhưng lạm phát cơ bản khoảng 8,3% (loại trừ các yếu tố về tăng giá cả bất thường, bất ổn...)", ông Bình nói.
Giám sát chặt việc cắt giảm đầu tư công
Tại buổi họp báo, bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, bộ Tài chính đã đưa ra một gói giải pháp về tài chính, ngân sách trong 4 tháng còn lại trong năm nay. Cụ thể, trong 4 tháng cuối năm, bộ này sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách. Ví dụ, về chính sách tài khóa, bộ này cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế nhất là các khoản thuế về đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, thuế nhập khẩu..."Bộ Tài chính dự kiến tăng thu 7-8% so với kế hoạch thu", ông Huệ nói.
Một giải pháp mạnh khác, ông Huệ nói bộ này sẽ giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công, thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án vi phạm khoảng 2000 tỷ đồng để tập trung cho các công trình, dự án cấp bách; ưu tiên các khoản tăng thu để trả nợ, giảm bớt chi ngân sách... Về kiểm soát giá cả thị trường, bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, chấp hành pháp luật về giá, tổ chức các đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố trọng điểm vào các thời điểm quan trọng như lễ, tết...; thực hiện chính sách "giá trị trường" với các mặt hàng thiết yếu: than, điện, xăng dầu nhưng "có liều lượng" để phù hợp mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội...
Ông Huệ cho biết, năm nay, cố gắng kiềm chế bội chi ngân sách ở mức 4,9% (so với mức 5,3% mà Quốc hội yêu cầu). Ông cũng cho biết, sắp tới, bộ Tài chính sẽ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn với Ngân hàng Nhà nước về thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ.
Nâng cao hiệu quả sản xuất xi măng
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Huệ cho biết các khoản
nợ của Vinashin là nợ thương mại thì tập đoàn này có trách nhiệm trả
nợ, Chính phủ chỉ hỗ trợ chính sách để tập đoàn này làm ăn hiệu quả, có
lãi để có nguồn trả nợ. Riêng các dự án xi măng, có một số dự án xi măng
được bảo lãnh trên 1,365 tỷ USD. Có 4 dự án xi măng được bảo lãnh khó
khăn, khó có khả năng trả nợ như xi măng Đồng Bành, Hoàng Mai, Thái
Nguyên, Tam Điệp.
Ông Huệ cho biết, đó là các khoản nợ dự phòng mà doanh nghiệp không trả được nợ thì bộ Tài chính phải ứng để trả nợ nhiều nhất là 3 kỳ. Các dự án này chưa đến mức quá 3 kỳ mà chưa trả được nợ nhưng nếu quá 3 kỳ, theo luật Quản lý nợ công thì sẽ phải bán tài sản thế chấp để trả nợ. Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề này trong đó yêu cầu các địa phương rà soát, đẩy mạnh sản xuất..nâng cao hiệu quả sản xuất xi măng để trả được nợ. Bộ Tài chính đề xuất dừng bảo lãnh cho tất cả các dự án xi măng. Bộ sẽ có báo cáo tổng hợp, đánh giá toàn bộ vấn đề nợ công từ năm 2006 đến năm 2010.
Riêng việc truy thu công ty Honda, theo ông Huệ, một số doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, quy định về mức độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu ô tô trong đó có công ty Honda Việt Nam. Theo ông, về việc này có lỗi của các doanh nghiệp và cả quy định trong một thông tư (thông tư số 05) của bộ Tài chính. Bộ này đã báo cáo Chính phủ sẽ đánh giá lại vấn đề này, có những quy định rõ ràng hơn về việc này và bổ sung, sửa đổi lại quy định cho phù hợp và khuyến khích thực hiện nội địa hóa. Ông cho biết, sẽ không có doanh nghiệp nào bị truy thu thuế kể cả Honda. "Việc yêu cầu truy thu thuế với Honda chỉ là ý kiến của một tổ kiểm tra chưa phải là quyết định của bộ Tài chính", ông Huệ khẳng định.