Sài Gòn Tiếp Thị ngày 13.7.2011 có đăng bài “Quan chức tham gia lãnh đạo hiệp hội: vừa đá bóng, vừa thổi còi?” phân tích những bất cập khi quan chức nhà nước nắm giữ vai trò lãnh đạo một hiệp hội ngành nghề do mình quản lý. Từ hiện tượng này TS Nguyễn Quang A đưa ra một góc nhìn về sự xung đột lợi ích.
Hiệp hội và xung đột lợi ích
Ông thứ trưởng bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam kiêm chức chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông thứ trưởng bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam, đã làm và sẽ tiếp tục làm chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khiến dư luận lo ngại về sự xung đột lợi ích. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước, và ông thứ trưởng là người chịu trách nhiệm về lĩnh vực bất động sản. Việc ông đã làm và sẽ tiếp tục làm chủ tịch hiệp hội là điều khó có thể chấp nhận được xét từ nhiều khía cạnh.

Tại các nước văn minh, quan chức cao cấp của Nhà nước chỉ được làm những việc mà luật quy định một cách tường minh. Họ không được quyền tự do như các công dân thường là có thể làm bất cứ thứ gì mà luật không cấm.

Xung đột lợi ích xuất hiện khi một người hay một tổ chức dính dáng đến nhiều lợi ích mà một trong số lợi ích đó có thể làm sa đoạ động cơ của một hành động theo lợi ích khác. Xung đột lợi ích không nhất thiết gắn với tham nhũng, hối lộ hay lạm dụng quyền lực cho mục đích cá nhân hay tập thể (hiệp hội), tức là không nhất thiết gắn với sự phạm pháp. Tuy nhiên sự xuất hiện, thậm chí sự có vẻ xuất hiện, của xung đột lợi ích huỷ hoại lòng tin, gây nghi ngờ đối với những người liên quan. Chính vì thế những người được uỷ quyền, nhất là các quan chức nhà nước, phải hết sức tránh dính líu đến sự xung đột lợi ích hay các tình huống mà người ngoài thấy có thể có biểu hiện xung đột lợi ích.

Các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế có các cẩm nang, hay thậm chí quy tắc cai quản (governace), quy tắc đạo đức rất rõ ràng, trong đó khuyên các thành viên hội đồng quản trị của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, cũng như các quan chức nhà nước phải tránh xung đột lợi ích hay các biểu hiện của xung đột lợi ích. Có nước còn có quy định pháp lý cấm các quan chức nhà nước sau khi đã rời nhiệm sở, không được tham gia vào các tổ chức trong lĩnh vực mà mình đã quản lý trong một thời hạn nhất định.

Việc một quan chức cấp cao đang tại vị làm chủ tịch hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của bộ mình, là một sự xung đột lợi ích rành rành.

Xung đột lợi ích không nhất thiết gắn với tham nhũng, hối lộ hay lạm dụng quyền lực cho mục đích cá nhân hay tập thể, tức là không nhất thiết gắn với sự phạm pháp. Tuy nhiên, xung đột lợi ích huỷ hoại lòng tin, gây nghi ngờ đối với những người liên quan.

Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của các hội viên là một việc làm chính đáng. Trong quan hệ giữa bộ Xây dựng và hiệp hội, hiệp hội có thể tìm những cách để ảnh hưởng đến chính sách sao cho có lợi cho mình (vận động chính sách), việc đó cũng bình thường. Nhưng ông chủ tịch hiệp hội đi vận động chính sách với chính mình (ông thứ trưởng) thì ở tất cả các nước văn minh là một điều bị cấm ngặt. Hiệp hội cũng có thể làm các dịch vụ (nghiên cứu, tư vấn…) cho chính bộ và lúc đó ông thứ trưởng phụ trách đứng ở đâu trong quyết định mua dịch vụ của ai (dẫu bộ có phải trả tiền hay không)?... Tất cả các khả năng trên có thể không xảy ra, nhưng nó là sự biểu hiện của xung đột lợi ích. Rồi hiệp hội thu hội phí của các hội viên, chi phí hoạt động của ban lãnh đạo hiệp hội (mà có nhiều quan chức nhà nước khác ngoài ông thứ trưởng) như thế chủ yếu lấy từ các doanh nghiệp bất động sản. Với quan hệ nhằng nhịt về thông tin, tiền bạc như vậy liệu các quan chức ấy có vô tư trong các quyết định chính sách?

Giả như họ rất vô tư và trong sáng, bản thân sự hiện diện của họ đã tạo ra sự biểu hiện xung đột lợi ích, huỷ hoại lòng tin.

Có người có thể nói, nước ta đâu đã là nước văn minh, nên việc như vậy vẫn là bình thường. Đúng, việc ấy chưa phạm pháp, nhưng nó sẽ cản Việt Nam trở thành nước văn minh.

Lập luận của ông tổng thư ký hiệp hội biện minh cho sự hiện diện của ông thứ trưởng và nhiều quan chức cao cấp khác của bộ Xây dựng trong ban lãnh đạo của hiệp hội Bất động sản vì lý do “đã có sự chấp thuận của bộ Xây dựng”, để có “tiếng nói thống nhất”, và “đã có hiệp thương với các cơ quan tổ chức Đảng, với bộ Nội vụ,… theo quy định của pháp luật” khiến cho chúng ta phải rất buồn. Đấy là sự biểu hiện của sự “câu kết” rành rành được che giấu dưới những mỹ từ hào nhoáng.

Đúng là chúng ta chưa có luật về hội (dù đã có dự thảo lần thứ mười mấy từ năm 2008, và đáng tiếc ngay dự thảo ấy cũng không đả động gì đến xung đột lợi ích!). Luật chưa có thì phải kiến nghị làm, chứ không phải vin vào đó để biện minh.

TS Nguyễn Quang A

Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: phan tich