Chưa quan tâm đến nguyện vọng của dân
Điều này rõ nhất tại Khu TĐC Tân Mỹ (quận 7). Mục đích ban đầu của việc xây dựng khu TĐC này không phải cho dân rạch Ụ Cây (quận 8), nhưng vì yêu cầu cần mặt bằng, phải giải tỏa di dời trước Tết, nên chính quyền địa phương buộc phải sử dụng Khu TĐC Tân Mỹ. Nhưng khổ nỗi cuộc sống trước đây của người dân rạch Ụ Cây chủ yếu là tạm bợ, nhiều nhà có hơn 10m2, nhà trên rạch, ô nhiễm nghiêm trọng, dân cư sống xung quanh "hẻm trên rạch", hình thành nhiều lớp nhà, nhà nọ xuyên nhà kia. Do nếp sống, sinh hoạt người dân khu vực rạch Ụ Cây có những đặc thù riêng, nên khi về sống tại chung cư cao tầng không thể hòa nhập được. Từ đó nảy sinh câu chuyện "hậu TĐC" không thể tròn trịa như mong đợi của cả người dân và chính quyền địa phương. Để khắc phục vấn đề này, theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh, khi di dời về đâu cũng nên trao đổi với người dân, trong phương án di dời phải có ý kiến của người dân.
Chính vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, chưa trao đổi với người dân mà Khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) là một trong những dự án TĐC lớn nhất TP Hồ Chí Minh, khi có tới 45 lô chung cư trên nền đất có diện tích trên 31ha, đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Bình Chánh - đơn vị quản lý các lô TĐC này cho biết, hiện công ty chỉ mới nhận bàn giao giai đoạn 1 từ Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thành phố tổng cộng 22 lô với 1.500 căn hộ, công ty đã bàn giao khoảng 250 căn hộ cho người dân, tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 100 hộ vào ở, có lô chỉ vỏn vẹn một hai hộ sinh sống. Lý giải về thực trạng này, đại diện Sở Xây dựng cho biết, số lượng nhà ở TĐC mà sở này lập tương ứng với số hộ bị giải tỏa thu hồi đất. Tuy nhiên, do những bất cập của căn hộ TĐC, chất lượng chưa tương đồng với điều kiện sống đã xuất hiện tình trạng nhiều dự án căn hộ TĐC bị bỏ trống, dẫn đến lãng phí. Báo cáo với đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh về đầu tư xây dựng và công tác TĐC, Sở Xây dựng thừa nhận, hiện quỹ nhà TĐC trên địa bàn TP chỗ thì thừa, chỗ lại thiếu cục bộ tại các quận, huyện. Mặc dù các địa phương này đều đã cam kết và lên kế hoạch bố trí nhưng chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
TĐC đâu chỉ là chuyện chỗ ở?
Trước tâm lý sống tạm khiến người dân không thể mạnh dạn làm bất kỳ nghề gì để cải thiện cuộc sống, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng nên hạn chế đến mức tối đa vấn đề tạm cư theo phương châm "có nhà ở rồi mới di dời". Ông Lâm Đình Chiến, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho rằng trong trường hợp hạ tầng cơ sở TĐC chưa xây xong, người dân buộc phải sống tạm cư thì phải có nhà ở đàng hoàng, không được xây tạm bợ. Nhà tạm cư nếu được xây dựng khang trang cũng có thể biến nó thành nhà TĐC nếu hộ nào muốn sống ở đó lâu dài. "Tôi cho rằng, muốn yên dân phải chuẩn bị phương án TĐC trước, tức phải lo cho bà con có chỗ ăn, chỗ ở trước mới tính đến chuyện giải tỏa di dời. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt!". Ông Lâm Đình Chiến khẳng định, để công bằng, nhà đầu tư phải thực hiện nguyên tắc đền bù giá nào thì phải bán căn hộ cho người bị thu hồi giá đó.
Chính sách TĐC chưa dừng lại ở việc ổn định chỗ ở mà phải tính đến việc người TĐC mưu sinh bằng cách nào. Thực tế cho thấy, do tiến trình đền bù, giải tỏa, di dời, TĐC diễn ra khá nhanh nên hầu hết các hộ TĐC chưa thể thích nghi với môi trường cũng như điều kiện sống mới khiến họ luôn bị áp lực cả về tinh thần và vật chất, dẫn đến nguy cơ bán suất TĐC để trả nợ. Chính vì vậy, vấn đề hỗ trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm phải được xem là một khâu quan trọng của chương trình TĐC. Tuy nhiên như ông Phạm Văn Đông thừa nhận thì công tác chuẩn bị cuộc sống của người dân TĐC chúng ta chưa làm được. Đây là yếu tố chủ quan, phải tính, mà tính không phải một ngày một bữa. Các kế hoạch "đầu tư mềm" (đào tạo nghề, công ăn việc làm, văn hóa…) hậu di dời, giải tỏa không được như mong muốn khiến những khu TĐC chẳng khác nào những khu sống tạm cư. Mặt khác, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề cho những người TĐC TP đã tính đến và thực tế quỹ này đang tồn tại. Tuy nhiên, có thể thấy, do việc quản lý lỏng lẻo mà quỹ này đã sử dụng không đúng chỗ hoặc chưa phát huy tác dụng mới dẫn đến tình cảnh này.
Chuyên gia Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng trước khi lên phương án giải tỏa di dời phải đặt ra tiêu chuẩn và tư vấn cho người dân về đặc điểm của từng phương án TĐC để họ cân nhắc lựa chọn phương án nào phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình, tiến tới nhanh chóng ổn định cuộc sống. Về vấn đề đào tạo nghề, mỗi một dự án TĐC cần phải có một cơ quan chuyên trách nghiên cứu đưa ra phương án và sử dụng quỹ đào tạo nghề có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu TĐC đó.
Có thể thấy, TĐC không chỉ đơn thuần là quá trình thay đổi chỗ ở của những hộ dân bị giải tỏa di dời, mà kéo theo đó là hàng loạt những thay đổi khác về điều kiện sống, công ăn việc làm, thu nhập... Chính vì thế, khi hoạch định các chương trình TĐC, cơ quan chức năng cần phải có cái nhìn toàn diện, để đưa ra những chính sách và giải pháp như chính sách về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm… có như thế mới tạo điều kiện cho người dân phải di dời đến nơi ở mới nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Căn hộ TĐC “bỗng dưng xuống cấp” Dự án TĐC đưa vào sử dụng một thời gian xuống cấp đã đành, nhiều dự án mặc dù căn hộ chưa bố trí người ở nhưng cũng "bỗng dưng xuống cấp". Tại căn hộ TĐC Tân Mỹ (quận 7), theo ghi nhận của PV, nhiều căn hộ bỏ trống nhưng bên trong nền gạch bị bong lên, vách tường nhiều dấu chân chim, có căn vết nứt khá to, sơn tường thì loang lổ vết thấm. Bên ngoài hành lang, sơn tường bị tróc từng mảng dài. Thang máy thì cái chạy, cái không. Khu chung cư TĐC lớn nhất TP thuộc xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) cũng rơi vào cảnh xuống cấp tương tự, một số lô còn bị sụt lún, gây hoang mang cho người dân. Giải trình về vấn đề này, chủ đầu tư viện cớ do thời gian gấp gáp, người dân cần nhà ở ngay nên công tác thi công có xảy ra thiếu sót. |