Một góc cư xá ngân hàng, phường 21 quận Bình Thạnh. Mặc dù tọa lạc chỉ cách khu trung tâm thành phố 2km, nhưng từ hơn 20 năm nay người dân phải sống trong cảnh nhà cưa xập xệ chờ thực hiện dự án. Ảnh: Quỳnh Mai
Trên địa bàn quận Bình Thạnh có rất nhiều dự án ''treo'', kéo dài trong nhiều năm; nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, chủ đầu tư bỏ dự án khi thị trường gặp khó khăn… Nhiều khả năng hàng loạt dự án ''treo'' trên địa bàn quận Bình Thạnh sẽ bị thu hồi trong thời gian tới. Đây là hậu quả của thời thị trường bất động sản phất lên, nhà nhà, người người “xí” chỗ làm dự án bất động sản; đến khi thị trường đi xuống thì buông xuôi hoặc bỏ chạy.
Ngon thì ăn, khó thì buông
Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc (Cty Đại Phúc) được giao rất nhiều dự án thuộc khu Bình Hòa, quận Bình Thạnh (trước quy hoạch làm khu công nghiệp, sau chuyển đổi thành khu dân cư), trong đó có một dự án diện tích 4,2ha. Việc bồi thường giải tỏa của dự án này đã được thực hiện theo phương thức chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với người có quyền sử dụng đất từ những năm 2002 -2003. Đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng chủ đầu tư chỉ bồi thường được 45% (đã làm tròn số) diện tích của dự án, trong phạm vi của dự án vẫn còn 26 hộ dân. Sau hơn 10 năm dự án vẫn không tiến triển được.
Đối với người dân sống trong dự án, 10 năm nay vẫn phải sống trong cảnh phập phồng dưới “cái án” của dự án. Tại buổi làm việc, đại diện Cty Đại phúc đề nghị các cấp, các ngành của thành phố có biện pháp hỗ trợ cho Cty hoàn thiện dự án vì người dân bất hợp tác. Trên thực tế, theo UBND quận Bình Thạnh, thành phố đã phê duyệt phương án bồi thường mới cho dự án 4,2ha của Cty Đại Phúc theo Nghị định 69 của Chính phủ. Sau khi nghe đại diện Cty trình bày, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở TNMT thành phố- cho biết, theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố, đối với những dự án chậm triển khai có mức bồi thường dưới 50% diện tích đều bị thu hồi.
Ông Hoàng Song Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh- đặt vấn đề với Cty Đại phúc là trong trường hợp được gia hạn thêm 1 năm để thực hiện dự án, liệu Cty Đại Phúc có thực hiện được không? Nếu muốn tiếp tục thực hiện, 1 năm nữa không làm được thì tính sao, Cty biện pháp gì để cải tiến tình hình. Đại diện Cty Đại Phúc không giải trình được các biện pháp để thúc đẩy tiến độ dự án mà chỉ xin hỗ trợ… Ngoài dự án kể trên, Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Đại phúc còn được giao dự án Ao Sen.
Dự án Ao Sen của Cty Đại Phúc cũng ở trong tình trạng tương tự, mới chỉ bồi thường giải tỏa được trên 50% và hiện nay gặp bế tắc trong việc thỏa thuận bồi thường với người có quyền sử dụng đất. Tại buổi làm việc, đại diện Cty Đại Phúc đề nghị được điều chỉnh quy hoạch, giảm quy mô của dự án, chỉ thực hiện dự án trên phần đất đã giải tỏa được… Tuy nhiên, các cơ quan chức năng rất băn khoăn trước đề nghị này, bởi nếu làm như thế thì có đảm bảo được quy hoạch? Trên địa bàn quận Bình Thạnh còn có một số dự án khác, chủ đầu tư đã triển khai giai đoạn 1 của dự án, sang giai đoạn 2 dự án vướng giải tỏa, gặp lúc thị trường đi xuống chủ đầu tư xin rút lui.
Thiếu năng lực tài chính nhưng vẫn xí chỗ
Cty TNHH một thành viên dịch vụ công ích quận Bình Thạnh (gọi tắt là Cty công ích) được thành phố giao đất thực hiện dự án nhà ở từ năm 2002. Sau hơn 10 năm, dự án này mới giải tỏa được 54%, diện tích đất của dự án nhưng ở trong tình trạng da báo. Tại buổi làm việc,Cty công ích chỉ cử 1 nhân viên đi báo cáo tình hình. Theo đại diện của Cty, hiện nay tình hình tài chính gặp khó khăn, xin điều chỉnh mục tiêu đầu tư chưa được phúc đáp. Đối tác của Cty trong hoàn cảnh hiện nay chưa tính được hiệu quả đầu tư nên chưa triển khai dự án. Hiện nay dự án đang bị tạm ngừng, không xác định được thời gian triển khai….
Tính đến thời điểm hiện nay, các hộ dân có đất trong dự án này đã phải chung sống với dự án treo đã 11 năm. Quá bức xúc trước cung cách làm việc của Cty công ích, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở TNMT - đề nghị quận Bình Thạnh xem xét tính khả thi dự án, chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện hay không? Mặt khác, ông Nguyễn Hoài Nam chỉ đạo phòng chức năng của Sở TNMT làm văn bản xin ý kiến thành phố, tiến hành thanh tra toàn bộ dự án. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành thu hồi dự án, giao cho chủ đầu tư khác. Trên địa bàn quận Bình Thạnh có khu cư xá ngân hàng, phường 21 quận Bình Thạnh hình thành trước năm 1975. Sau giải phóng, 125 căn nhà trong cư xá này được đưa vào diện quản lý.
Trước đây, khu vực này được quy hoạch thành một khu nhà ở hoành tráng. Vì vậy, người dân đang sử dụng những căn nhà trong khu cư xá ngân hàng không được hóa giá nhà theo Nghị định 61. Hiện nay khu vực này ở trong tình trạng xập xệ, xuống cấp trầm trọng, ngập nước triền miên; thế nhưng người dân vẫn phải “đóng băng” chờ triển khai dư án. Nhiều chục năm trôi qua, nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động. Trước tình hình này ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị quận Bình Thạnh xem xét đề xuất thu hồi dự án.
-
Kiểm tra vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận
TP.HCM: Hơn 3.200 giấy chứng nhận không có người tới nhận. <br/br>
-
Hủy đối thoại với TS Ala Phan vì BĐS HN từ chối
"Mặc dù công tác chuẩn bị cho cuộc hội thảo đã gần xong, phía trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã chấp thuận và đồng ý hỗ trợ, song rất tiếc, cuộc hội thảo có lẽ sẽ không thể diễn ra".
-
Những con số cập nhất mới nhất về tồn kho và nợ xấu của các DN bất động sản cho thấy khu vực này đang là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Bí bách trong khó khăn, không ít DN đã buông xuôi, hàng bán không được, nợ trả không xong, nhiều DN chỉ mong ngân hàng siết nợ để thoát khổ