Ngày 15-3, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn TP. Hội nghị cũng nhằm lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung vào luật.
Tại hội nghị, 12 vấn đề trọng tâm đã được Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung, trong đó có các vấn đề "nóng" hiện nay như: xây dựng và công bố bảng giá đất hằng năm và xác định giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chênh lệch địa tô sau khi Nhà nước đầu tư các dự án mở đường…

Việc sửa đổi Luật Đất đai với những cơ chế, chính sách phù hợp, sát thực tiễn sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ảnh: Linh Tâm


Khung giá đất nên ổn định trong 3-5 năm

Xây dựng giá và công bố bảng giá đất hằng năm và việc áp dụng xác định giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường là một trong những vấn đề "nóng" nhất được các đại biểu đề cập. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, theo quy định tại điều 56 - Luật Đất đai, việc xác định giá đất của Nhà nước phải bảo đảm sát với giá thị trường. Tuy nhiên trong thực tế việc xác định khung giá đất sát với giá thị trường chỉ mang tính tương đối. Nhà nước không thể nắm được chính xác việc chuyển nhượng đất đai trong dân cư. Khi chuyển nhượng, người dân có xu hướng khai giá thấp hơn hoặc bằng với khung giá Nhà nước để trốn thuế. Khung giá đất được xây dựng và công bố vào ngày 1-1 hằng năm như hiện nay cũng gây nhiều bất cập. Sở TN&MT kiến nghị Nhà nước thành lập các đơn vị tư vấn giá đất có đủ năng lực, trình độ để điều tra thu thập giá đất, điều tra giá trên thị trường một cách chuyên nghiệp, giúp địa phương xây dựng khung giá đất tiệm cận với giá thị trường; khuyến khích các hộ dân kê khai, nộp các loại thuế theo giá chuyển nhượng giữa hai bên. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp kê khai không đúng các loại thuế phải nộp. Đối với bảng giá đất, để tránh tốn kém và tạo thuận lợi cho việc sử dụng khung giá đất, đề nghị Nhà nước quy định khung giá ổn định từ 3-5 năm. Hằng năm có điều tra, cập nhật bổ sung theo biến động của thị trường.


Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, khung giá đất cần được giữ ổn định trong 5 năm/lần. Nhà nước chỉ nên quy định giá đất tối thiểu. Giá đất do UBND cấp tỉnh, TP quy định không được thấp hơn giá tối thiểu do Chính phủ ban hành và phải kịp thời điều chỉnh khi thị trường có thay đổi. Nhà nước cũng nên có các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là "giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường". Thực tế thì chênh lệch giữa bảng giá đất và giá đất trên thị trường nhiều khu vực lên tới hàng chục lần, gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương khi đối thoại với người dân. Nếu giá đất được xây dựng sát với giá thị trường, chắc chắn thắc mắc khiếu kiện sẽ giảm nhiều.


Lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa hài hòa


Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài đang hoàn thiện. Ảnh: Đàm Duy

Mỗi năm, Hà Nội triển khai GPMB vài trăm dự án lớn nhỏ. Tuy nhiên, nhiều dự án bị ách tắc, chậm tiến độ trong thời gian dài vì vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư. Đại diện Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho rằng, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thay đổi liên tục khiến công tác này luôn trong tình trạng khó khăn, tạo ra mâu thuẫn giữa Nhà nước và người sử dụng đất bị thu hồi, dẫn đến khiếu kiện. Chính sách thỏa thuận nhận chuyển nhượng, góp vốn đối với dự án không thuộc đối tượng thu hồi làm cho người dân có lợi hơn so với dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất đã làm nảy sinh tâm lý so bì, thắc mắc khiếu kiện từ phía các hộ dân bị thu hồi đất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT chỉ ra bất cập: Tiền bồi thường khi thu hồi đất còn chưa tương xứng với giá thực tế trong khu vực. Hiện khung giá đất của TP được xây dựng thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Việc tính giá bồi thường cho người sử dụng đất bị thu hồi lại cơ bản dựa trên khung giá Nhà nước. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chưa hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và của người dân. Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị quỹ nhà tái định cư còn chưa theo kịp với nhu cầu của các dự án triển khai. Nhằm khắc phục bất cập này, Hà Nội kiến nghị thành lập đơn vị tư vấn đủ mạnh để tư vấn giá đất sát với giá thị trường phục vụ công tác đền bù GPMB; áp dụng một giá trong việc bồi thường, hỗ trợ và thu tiền sử dụng đất để bảo đảm thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất.


Đại diện một số quận, huyện kiến nghị cơ chế, chính sách đền bù, GPMB cần được điều chỉnh, bổ sung sát với thực tiễn và có tính khả thi cao. Các văn bản được ban hành cần tránh dàn trải, dễ cập nhật và áp dụng xuyên suốt quá trình thực hiện GPMB dự án.


Muốn có giá đất sát với giá thị trường, phải thông qua các giao dịch thực tế. Nhưng ở ta phần lớn là giao dịch ngầm, thiếu minh bạch nên lấy thông tin từ đó thường khó bảo đảm tính chính xác, khách quan. Vì thế lần này Bộ TN&MT tiếp tục tổng kết, đánh giá lại toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, tài chính đất đai để tiến tới chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Đất đai là vấn đề hết sức phức tạp và cần có thời gian, không thể vội vã làm tất cả trong một lúc.

Đối với kiến nghị chuyển sang định giá đất 5 năm/lần, Bộ TN&MT đang xem xét. Song, có lẽ cũng cần thời gian duy trì giá đất dài hơn hiện nay. Hiện nhiều địa phương hiểu chưa rõ việc định giá đất hằng năm. Không phải cứ mỗi năm lại phải làm lại toàn bộ giá đất, nếu giá trên địa bàn ổn định thì chỉ cần công bố lại giá cũ, bổ sung, cập nhật thêm giá đất tại những đường phố, khu vực mới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển


Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland