Sau khi gia hạn tiến độ, Hà Nội đặt mục tiêu đến quý 3 năm nay sẽ “xử” xong nhà “siêu mỏng, siêu méo”, nhưng xem ra vẫn khó đạt...

Nhà siêu mỏng trên tuyến đường mới mở của huyện Từ Liêm. Ảnh: Hoàng Lâm-TTXVN

Thời gian qua, dù đã rất quyết liệt, “mạnh tay” xử lý các công trình cũng như những cán bộ có hành vi làm ngơ, dung túng sai phạm về trật tự xây dựng, nhưng đến nay, Hà Nội vẫn còn nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Vì sao nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn tồn tại và vì sao việc xử lý “những công trình kiến trúc” không muốn có này lại khó khăn đến thế?

Đường đang thi công dang dở, nhưng nhiều công trình xây dựng hai bên đã xong, trong đó có cả nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Đó là thực trạng đang xảy ra tại không ít tuyến phố Hà Nội. Điển hình trong số đó là phố Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Quốc lộ 5 kéo dài lên cầu Đông Trù… Mặc cho quy định cấm xây nhà “siêu mỏng, siêu méo” của thành phố, nhiều chủ đất vẫn “lách qua ô cửa hẹp” để xây những căn nhà hai, ba thậm chí bốn tầng, dù diện tích đất chỉ trên dưới 10 mét vuông.

Ông Trần Quốc Nhật, người dân phường Đức Giang, quận Long Biên bức xúc trước việc nhà “siêu mỏng siêu méo” mọc lên ngay tại nút giao thông Cầu Chui-đường 5 đang thi công mà chính quyền hình như không biết: “Tôi chưa nhìn thấy cơ quan chức năng can thiệp, bắt tháo dỡ hay không cho phép xây dựng. Ban ngày, người ta vẫn xây nhà, vẫn hoàn thiện công trình… tôi nghĩ chắc họ được đồng ý cho xây thì mới dám như vậy”.

Trước thực trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũ chậm được xử lý, nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới có nguy cơ bùng phát, vừa qua, Ban pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thực hiện chương trình giám sát lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm này.

Kết quả “khiêm tốn” là đến nay toàn thành phố mới chỉ xử lý 203 trong tổng số 394 trường hợp “nhà siêu mỏng siêu méo” (đạt 52%).

Hiện còn 191 trường hợp tại 9 quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức chưa được giải quyết.

Lo ngại tiến độ xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", Phó Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố c cho biết, mục tiêu ban đầu thành phố đặt ra là cuối năm 2012 sẽ xử lý xong tình trạng “nhà siêu mỏng siêu méo”, nhưng đến nay, qua một lần gia hạn, thực trạng vẫn rất khó khăn.

“Một số quận huyện vẫn còn lúng túng, vào cuộc chưa thực sự quyết liệt, cũng còn tồn đọng nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý. Ban đầu chủ yếu vận động người dân tự hợp khối và chưa quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng. Đây cũng là 1 trong những nội dung mà các cơ quan phải đẩy nhanh thực hiện thì mới đảm bảo yêu cầu”- ông Nguyễn Nguyên Quân nói.

Ông Nguyễn Nguyên Quân khẳng định, để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nói chung và nhà “siêu mỏng, siêu méo” nói riêng là do sự buông lỏng, thậm chí là dung túng của một số cán bộ, địa phương, công chức chuyên ngành. 142 trường hợp cán bộ công chức, thanh tra xây dựng các cấp (khoảng 10%) có hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật.

Thực tế tại quận Hoàng Mai-một trong 9 quận, huyện tồn đọng nhà “siêu mỏng, siêu méo” cho thấy, việc xử lý tình trạng vi phạm vẫn rất chậm chạp. Dù được coi là rất cố gắng, nhưng thời gian qua, trong 18 trường hợp vi phạm, quận cũng mới chỉ xử lý được gần một nửa.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai cho biết: “Nhà siêu mỏng, siêu méo chủ yếu trên mặt đường vành đai 3. Có 13 trường hợp thì đến nay quận đã cho lập dự án, chỗ nào không đủ điều kiện sẽ thu hồi để trồng cây xanh hoặc mở rộng ngõ, mở rộng hè. Còn những chỗ đủ điều kiện xây dựng, chúng tôi đã yêu cầu là gia đình thuê tư vấn để lập phương án kiến trúc sau đó thỏa thuận với Sở kiến trúc và làm việc với Phòng tài nguyên môi trường chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư”.

Trả lời phóng viên VOV về thực trạng tồn đọng, chậm xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”, đại diện thanh tra Sở xây dựng Hà Nội cho rằng, nguyên nhân các cấp, ngành khó vận động người dân tự thỏa thuận hợp khối, hợp thửa. Hơn nữa, số diện tích các hộ dân đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định, hiện đang là nơi ở, kinh doanh của các hộ và tồn tại trước khi Luật Xây dựng ra đời. Với các thửa đất trong diện thành phố thu hồi, kinh phí đền bù rất lớn, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội nói: “Việc xử lý nhà đất siêu mỏng siêu méo là một việc khó liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực như công tác quy hoạch, cơ chế chính sách đền bù tái định cư, phục vụ thu hồi đất, kinh phí thực hiện, rồi mục đích đầu tư để xây dựng phần đất đã thu hồi. Những trường hợp này rất nhỏ lẻ, chỉ vài mét vuông cho đến một hai chục mét vuông, không đủ điều kiện mặt bằng để xây dựng”.

Sau một lần gia hạn tiến độ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến quý 3 năm nay sẽ “xử” xong nhà “siêu mỏng, siêu méo”, nhưng xem ra mục tiêu này vẫn khó đạt được trong một tương lai gần như thế. Bởi, với sự vào cuộc “đủng đỉnh” và nhiều nguyên nhân kêu khó như thời gian qua thì chưa ai có thể dám chắc điều gì./.

Huy Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.