10 triệu đồng một chữ ký
Thời gian gần đây, VnMedia nhận được nhiều phản ánh của người dân huyện Hoài Đức về việc các xã ở đây buộc họ phải nộp tiền cho xã thì xã mới ký xác nhận vào hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Anh Nguyễn Hữu Mạnh, một người dân xã An Khánh cho biết theo hướng dẫn của đơn vị công chứng, anh đến UBND xã An Khánh để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại đây, cán bộ địa chính Nguyễn Thị Hải cho biết, để có được chữ ký của cán bộ địa chính và lãnh đạo UBND xã, anh phải đóng góp “tự nguyện” 5 triệu đồng. Khi anh thắc mắc khoản thu này không có trong quy định và không liên quan gì đến hồ sơ chuyển nhượng đất, chị Hải khẳng định là quy định chung của xã nên tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải nộp. Quy định chung này trước đây chỉ áp dụng cho người ở địa phương khác tới mua đất tại An Khánh, nay áp dụng với cả người dân địa phương.
An Khánh là một trong nhiều xã thu tiền trái quy định
Được biết tại xã An Khánh, mỗi trường hợp chuyển nhượng dưới 50 m2 đất đều buộc phải nộp tối thiểu 5 triệu đồng vào Quỹ khuyến học, các trường hợp chuyển nhượng nhiều hơn thì số tiền nộp tương ứng với diện tích, cứ 10 m2 thì phải nộp 1 triệu đồng nên có trường hợp nộp tới hơn 10 triệu đồng.
Không chỉ tại An Khánh, theo tìm hiểu của phóng viên VnMedia, tình trạng tương tự xảy ra tại hàng loạt xã khác thuộc huyện Hoài Đức như Đông La, An Thượng, Vân Canh… với mức thu mỗi nơi một khác. Tại An Thượng, ông Nguyễn Quang Sau, cán bộ Tài chính xã cho biết xã sẽ thu tối đa 5 triệu đồng và chỉ áp dụng với người ngoài địa phương khi mua đất tại đây.
Mỗi chữ ký của cán bộ địa chính xã và Chủ tịch xã trong trích lục bản đồ luôn có "giá" hàng chục triệu đồng.
Một trong những xã thu cao nhất huyện Hoài Đức là Vân Canh. Cuối năm ngoái, anh Cường ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh mua 50 m2 đất tại đây phải đóng góp vào xã 6 triệu đồng…Còn thời điểm hiện tại, trong vai một người ở huyện Từ Liêm muốn hỏi thủ tục mua bán đất, tôi được cán bộ phụ trách địa chính xã Lê Ngọc Thạch thẳng thừng “người ngoài địa phương thì đóng góp 10 triệu đồng!”.
“Không nộp, không xong”
Để tìm hiểu rõ hơn sở cứ thu các khoản tiền này, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Quang Sau và được biết tại An Thượng, việc thu tiền của các đối tượng ngoài địa phương khi tiến hành chuyển nhượng đất tại xã được thực hiện theo Nghị quyết phiên họp UBND xã ngày 3/8/2011. Số tiền thu được, theo ông Sau, sẽ được nộp thẳng vào Ngân sách xã theo tinh thần chương trình “Xây dựng nông thôn mới” của xã. Ông Sau cũng thừa nhận, dù văn bản đề là tự nguyện nhưng xã cũng phải kết hợp vận động, thuyết phục...
Tại An Khánh, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Vận lại có một cách lý giải khác. Theo ông Vận, thông thường khi chuyển nhượng đất phải nộp lệ phí trước bạ và toàn bộ khoản này sẽ được chuyển về ngân sách xã. Tuy nhiên người dân thường khai báo giá thấp hơn thực tế mua bán nên khoản tiền về xã bị hụt và xã buộc phải yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp một khoản tiền vào Quỹ khuyến học của địa phương!
Vị Chủ tịch này bộc bạch: “Đúng là bắt buộc chứ không phải tự nguyện, nhưng khi ghi phiếu thì phải ghi tự nguyện, nếu anh không tự nguyện nộp thì anh đi ra. Bọn tôi quản lý khu vực này thừa biết giá cả mua bán thế nào…”. Vì thế, nếu không nộp tiền thì người dân sẽ không được lãnh đạo xã xác nhận để hoàn thiện hồ sơ.
Một mẫu đóng góp "tự nguyện" tại xã An Thượng
Cũng theo ông Vận, có trường hợp người phụ nữ mua đất ở An Khánh đồng ý nộp tiền rồi, nhưng khi viết giấy thì nhất quyết không ghi chữ “tự nguyện” mà đề nghị thay bằng từ “bắt buộc” nhưng xã không đồng ý, tranh cãi 2 tháng sau người này mới quay lại nộp đủ tiền và khi đó thậm chí còn không lấy biên lai …
Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp các xã có thể tự đặt ra các khoản thu bất hợp lý là việc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức yêu cầu người dân phải xin xác nhận của xã trong trích lục thửa đất, trong đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Bộ thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại UBND huyện lại không có yêu cầu này.
Quý độc giả có thể theo dõi thông tin tiếp theo:
Bài 2: Giật mình người hậu thuẫn để xã “hành dân”