Theo Thông tư số 07/2013/TT-BXD (sau đây gọi tắt là Thông tư 07) ngày 15/5/2013 do Bộ Xây dựng ký ban hành hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, người lao động tự do, người đăng ký hộ khẩu tạm trú có đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên… cũng sẽ được vay vốn mua nhà.

4 đối tượng trong diện được vay vốn

Theo Thông tư số 07, đối tượng được vay để mua nhà ở xã hội bao gồm 4 đối tượng gồm: Thứ nhất, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội.

Thứ hai, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Thứ 3, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

Và cuối cùng là các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nhóm đối tượng vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 bao gồm: Thứ nhất Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân.

Thứ hai, đối tượng thu nhập thấp là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

Về điều kiện vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thì các đối tượng phải đáp ứng các yêu cầu như: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội.

Cụ thể hơn là có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người. Có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Và điều kiện quan trọng đó là, người vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên.

Ngoài ra để vay vốn, các đối tượng phải có xác nhận của cơ quan nơi công tác, xã, phường có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.

Riêng đối với doanh nghiệp vay vốn làm nhà ở xã hội thì phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có văn bản chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền; đã có đất sạch và giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội thì ngoài các điều kiện quy định, phải có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Người thu nhập thấp được vay vốn mua nhà lãi suất cao nhất là 6%/năm.

4 điều kiện cần khi vay vốn

Tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, các điều kiện để người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi mua, thuê và thuê mua nhà cũng đã được cơ quan này quy định cụ thể.

Theo đó, về điều kiện cho vay, NHNN quy định ngoài những điều kiện cho vay theo quy định của Pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; quy định tại Thông tư 07 của Bộ Xây dựng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế thông tư này (nếu có); khách hàng phải đáp ứng thêm 4 điều kiện đối với cá nhân cũng như doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.

Về khách vay là cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì phải có: Thứ nhất là có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư.

Thứ 2: có mục đích vay vốn để trả khoản tiền chưa thanh toán mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định đối với các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013.

Thứ 3 là có đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại và cam kết khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở theo chương trình này.

Thứ 4 là có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay theo quy định

Đối với khách hàng doanh nghiệp, các điều kiện vay vốn cũng tương tự.

Thứ nhất phải là doanh nghiệp trong diện được quy định của thông tư.

Hai là phải có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 1/7/2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội theo quy định.

Ba là có đủ vốn tối thiểu tham gia vào dự án, phương án vay.

Và bốn là có cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội theo quy định.

Khách hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng để thẩm định, quyết định cho vay. 4 ngân hàng được thực hiện cho vay gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Hà An (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.