Với rất nhiều khách hàng có thu nhập thấp ở Hà Nội, ngân hàng sẽ không dám cho vay
Chậm do thiếu nguồn cung…
Tại Hội thảo phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho nhu cầu thực do Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã dẫn số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 30/9/2013, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó, chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Còn riêng khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng mới giải ngân được 54,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, các ngân hàng giải ngân chưa tới 1% tổng số tiền 30.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân của sự chậm trễ trên, theo ông Hà, là do thiếu nguồn cung và những thủ tục còn nhiều rườm rà, vướng mắc. “Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phải ngồi cùng nhau để bàn những biện pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó có việc xác định đối tượng có thu nhập thấp cũng như thực trạng nhà ở, tình trạng khan hiếm nguồn cung giá rẻ, nhà thu nhập thấp...”, ông Hà nói và cho biết, bằng những điều chỉnh cụ thể, hiện việc giải ngân gói 30.000 tỷ đã tăng đáng kể qua từng tháng.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay là phải khắc phục sự lệch pha trong cung cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa. Theo đó, các sản phần phải phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số căn hộ nhà ở xã hội được phê duyệt đến thời điểm này là 13.000 căn, hầu hết mới bắt đầu động thổ, khởi công. Trong khi đó, riêng tại Hà Nội, nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã lên tới trên 30.000, còn nếu tính nhu cầu nhà ở xã hội của toàn thành phố, thì con số này lên tới khoảng 80.000. Vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, đặc biệt là thiếu những căn sắp hoàn thành.
… và do sợ trách nhiệm
Chia sẻ những lý giải của lãnh đạo ngành xây dựng, nhưng chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại có góc nhìn khác về sự chậm trễ trên. Theo ông Ánh, số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2010 về thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người hàng tháng cho thấy, thu nhập bình quân tại thành thị là 21 triệu đồng/năm, trong khi chi tiêu hết 18 triệu đồng/năm.
“Cứ cho số liệu trên là hợp lý đi thì cả 1 năm, người dân thành thị mới tích lũy được khoảng 3 triệu đồng. Vậy với căn hộ rẻ nhất hiện giờ là 300 triệu đồng/căn thì đến bao giờ người dân mới đủ tiền mua nhà”, ông Ánh nhẩm tính và khẳng định, đối với đối tượng này, Nhà nước phải có chính sách xây nhà cho thuê hoặc thuê mua thì mới giải quyết được. Nếu nhìn vào khả năng thu hồi vốn, đố ngân hàng nào dám cho vay đối tượng này”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, nhìn từ góc độ người cho vay thì các ngân hàng đều phải quan tâm đến khả năng trả nợ cả gốc và lãi của khách hàng để không trở thành nợ xấu sau này. Vì thế, tiêu chuẩn cho vay là có mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng/người không phải là không hợp lý. Nhóm này nếu có cơ chế, họ có thể vay và có thể trả được cả gốc và lãi.
Đặc biệt, không ủng hộ hình thức “tay không bắt giặc” khi tham gia mua nhà ở xã hội, ông Ánh kiến nghị người đi vay phải mở tài khoản tiền gửi để chứng minh tích lũy, nếu đủ 1/2 hoặc 1/3 giá trị căn hộ thì mới được vay tiền để mua nhà xã hội.
“Trong quy trình trên, nếu người mua gian dối sẽ phải bị đình chỉ hoặc tịch thu nhà. Và UBND cấp quận, huyện được giao giám sát thực hiện, xử lý vi phạm hoặc giao cho cơ quan liên ngành cho đến khi giải ngân xong gói 30.000 tỷ đồng”, ông Ánh đề xuất.
Cũng sợ trách nhiệm tương tự là lãnh đạo phường, xã hay lãnh đạo cơ quan, đơn vị khi phải xác nhận đối tượng xin mua nhà xã hội là chưa có nhà ở và có thu nhập thấp theo quy định. “Nhiều lãnh đạo không đủ can đảm để xác nhận vì ở ta không có một nguồn thông tin chính thống nào xác nhận 1 người có nhà ở hay chưa và hàng tháng họ thu nhập bao nhiêu”, ông Ánh chia sẻ và cho rằng, người có đơn đề nghị mua nhà ở xã hội phải chịu trách nhiệm chính về nội dung đề nghị thì mới đẩy nhanh được tiến độ xác nhận.