Cuộc sống nơi phố cổ quá chật chội, hạ tầng xuống cấp, xã hội xô bồ ảnh hưởng tới dạy dỗ con cái… khiến nhiều gia đình đang mong mỏi được di dân. Tất nhiên, mức đền bù hoặc hỗ trợ di dời phải hợp lý.

Tệ nạn rình rập

9h sáng, những mẹt rau, thịt tràn ra ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội), những quán hàng ăn sáng vẫn hoạt động nhộn nhịp, đông đúc, người, xe ken nhau trong cái ngõ bé xíu.

Giãn dân phố cổ:Ngổn ngang đi,ở,đền bù

Tìm được chỗ ngồi trong ngôi nhà của bà Phương thật không đơn giản

Trước cửa ngôi nhà số 10, ngõ Trung Yên, một chiếc bàn nhỏ được kê với vài bát cháo, đậu phụ, cà… bán bữa sáng, trong nhà, một bé gái ngồi trên phản, chơi một mình, dưới sàn nhà, một bé gái khác đang nằm ngửa, ôm bình sữa o oe gọi người lớn. Mùi đồ ăn, mùi ẩm mốc, mùi mồ hôi, tiếng ồn ã chửi bới… trộn lẫn, đặc quánh trong căn phòng mờ tối.

Gọi là nhà cho có một danh từ để chỉ nơi vào ra của 6 người nhà bà Nguyễn Thị Phương. Bên trên là đình Trung Yên, nhà bà Phương có khoảng 10m2, cơi nới chồng thêm gác xép thêm được 5m2 gồm cả công trình phụ. Trước đây, căn buồng ở giữa được chủ nhà cũ cho những lao động ngoại tỉnh thuê rất bừa bộn và bẩn thỉu, bà Phương đành thuê lại căn buồng 9m2 nữa cho vợ chồng cậu con trai ở.

Tới tối, mọi thứ xếp hết vào nhà, nền nhà chỉ còn chỗ ngủ cho mấy bà cháu, hôi hám, chật chội.

“Chồng đã mất, hai thằng con trai thì một đứa nghiện, thi thoảng mới về, đứa con gái lập gia đình rồi, mới 30 tuổi nhưng đã có 5 vịt giời, tôi trông cả, mẹ nó mê mải lô đề cờ bạc. 25 cái xe máy đã ra đi” – bà Phương rầu lòng tâm sự.

Bà trước là y tá ở bệnh viện Việt Đức, mới nghỉ hưu và đồng lương hưu thành thu nhập chính. Các con không kiếm ra tiền lại còn hư hỏng, nếu không có các em giúp đỡ, bà Phương bảo không thể hiểu sẽ sống ra sao.

“Tôi không muốn ở dưới đình chút nào, dù sao đây cũng là chỗ tâm linh. Nhưng từ mấy đời nhà chồng đã ở đây, lấy chồng phải theo chồng, cũng không có điều kiện. Ngõ chật, nhà chật ở đây suốt ngày cãi chửi nhau cả trong nhà lẫn xóm giềng. Tôi rất chán” – bà Phương kể.

Trước cửa nhà bà là một quán nước chuyên ghi lô đề, rồi nhiều hoạt động mê tín dị đoan diễn ra ngang nhiên ở đây, lại là ngõ sát chợ Hàng Bè, tệ nạn xã hội nhan nhản khiến gia đình bà cũng bị tác động.

Đó là lý do khiến bà Phương không muốn tiếp tục cuộc sống “trên phố” này nữa. Bà chỉ mong được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng và sang Việt Hưng bắt đầu cuộc sống mới.

“Tôi không muốn những đứa cháu lớn lên trong cảnh này nữa. Con tôi hư hỏng đã là quá đủ. Cuộc sống ở đây có quá nhiều vấn đề” – bà Phương nói.

Được biết, khoảng năm 2009, đã có người trả nhà bà được khoảng 1,8 tỷ. Nếu di dời đợt đầu tiên, gia đình bà muốn được đền bù bằng hai căn hộ bên Việt Hưng và còn thừa một chút tiền để sắm sanh đồ đạc.


K hông gian nấu ăn chật hẹp nhà ông Thanh

“Ở bầu thì tròn…”

Không phải ở nhờ trong đình như nhà bà Phương, các hộ gia đình thuộc số nhà 47 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc thuộc diện nhà xuống cấp, đông người ở và các hộ dân phải tự thỏa thuận với nhau để 1-2 hộ di dời.

Xây dựng từ năm 1880 được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất Việt Nam với những đồ gỗ như lim, dổi, tâm.

Với kiến trúc 3 giếng trời cho diện tích rộng khoảng 206m2, nhưng từ năm 1962, cùng với sự nảy nở của các hộ gia đình, các giếng trời dần bị xây dựng thành những căn phòng nhỏ khoảng 7-8m2 cho 5 hộ gia đình sinh sống.

Theo ông Đỗ Ngọc Thanh, một trong những người dân sống lâu đời ở đây, hiện tại, ngôi nhà này đang có 60 người sinh sống với nhiều thế hệ.

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Chúng tôi phải “liệu cơm gắp mắm” tổ chức cuộc sống trong không gian chật chội như thế này” – ông Thanh nói.


V ết tích vụ cháy trên tần nhà ông Thanh vẫn còn

Hồi bé, ông Thanh được chạy nhảy trong khoảng không gian rộng rãi, thoáng đãng, giờ đây nằm ngủ mà nơm nớp lo trần nhà sụt vữa, mái xà đã mục nát, vôi rơi lả tả như vừng. Khi trời mưa, nước từ trên trút xuống, nước cống dềnh lên, nước trong đường tràn vào, rất cực khổ.

Cũng căn nhà này, năm ngoái đã xảy ra một vụ cháy trên gác hai, UBND phường Hàng Bạc đã treo biển cảnh báo nguy hiểm ở ngay cầu thang lên. Nhưng, trèo lên cây cầu thang ọp ẹp bằng sắt, chúng tôi vẫn thấy một ngăn nhỏ cho một hộ gia đình sinh sống, một đầu kê đệm ngủ, một đầu là vòi nước rửa ráy, nấu nướng. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.

Hiện tại, hai ông bà tận dụng khoảng không cạnh giếng trời đầu tiên, kê thành một cái bếp và chạn. Đó vừa là nơi nấu ăn, rửa ráy, vừa là nơi để bà bán dưa cà, mắm muối kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống tuổi già.

Cuộc sống hiện đã khấm khá hơn ngày xưa, nhưng lớp trẻ thì cư xử cũng khác. “Trước đây đi trong ngõ hẹp, thấy người lớn tuổi hơn mình phải lùi lại tìm chỗ tránh, kính người già đi trước. Còn giờ đây, không những không được nhường đường, bọn thanh niên còn xô cả mình ngã” – ông buồn bã kể rồi lọ mọ mở nắp nồi cơm, đổ một hộp nhựa cơm nguội vào ghế.

Ông Thanh bảo, “chúng tôi già rồi, chỉ muốn ở lại nơi mình đã sinh ra và lớn lên, cầm tiền ra đầu ngõ là có đủ mọi thứ cần thiết, rồi còn bạn bè ở đây”… Đi ra chỗ khác, phải “đóng hộp” trong cái chung cư, lên xuống bất tiện cho người già, ông thấy phiền toái


C ó biển báo cấm, người dân vẫn đi lại và sinh hoạt bình thường

Cũng có thể, ở tuổi 70 như ông, sự xáo trộn trong cuộc sống trở thành nỗi lo lớn bởi sự thích ứng đã không còn như thời trẻ. Khi ra đi, ông cũng như những người già cả nghĩ khác, chỉ có thể mang theo những ký ức về cuộc sống ở đây, chứ chả còn thiết mang theo gì.

Cuộc sống phổ cổ chật hẹp, đã nhiều lần gia đình ông được thông báo về chuyện bảo tồn, di dời…, nhưng cứ chờ mãi khiến ông nản. “Tôi cũng muốn được di dời sang chỗ khác nhưng phải đền bù hợp lý để anh em, con cháu đỡ cãi cọ và cũng đỡ khổ. Nhà nước thu hồi thì giải quyết thỏa đáng cho người dân” – ông Thanh nói, rồi lại chạy ra thay bà bán một túi cà muối cho khách.

“Dưa cà bà nhà tôi muối nổi tiếng khu vực này, ở tận Lý Quốc Sư người ta cũng ra đây mua đấy. Nếu chuyển đi, sẽ không biết buôn bán gì đây” – ông Thanh lầm bầm.

Giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn của thành phố Hà Nội nhằm cải thiện cuộc sống của người dân đồng thời, tạo điều kiện tôn tạo, bảo tồn khu phố cổ. Tuy nhiên, trường hợp nào đi, trường hợp nào ở lại, mức đền bù bao nhiêu là hợp lý và phố cổ được bảo tồn như thế nào đang là mối quan tâm của nhiều người dân nơi đây. Được biết, Đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm sẽ được hoàn chỉnh để trình Thường thực Thành ủy Hà Nội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo và UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 8/2011.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, những hộ dân sinh sống trong các di tích lịch sử, trường học, công sở, các biển số nhà đông hộ và các hộ dân có nguyện vọng di chuyển sẽ là đối tượng di dời trước tiên. Đợt di dời đầu tiên cho cư dân phố cổ dự kiến vào khoảng quý IV năm 2013.

Theo Thái Linh (ToQuoc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.