01/08/2011 7:45 AM
Sau 12 năm với nhiều lần hoãn rồi tái khởi động, dự kiến đề án giãn dân phố cổ (Hà Nội) sẽ được phê duyệt trong tháng 8 và chính thức thực hiện vào năm 2012, chia làm 2 giai đoạn, di dời 26.000 người. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn tỏ ra e ngại về tính khả thi của đề án. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tôn Thất Đại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Là một nhà nghiên cứu vấn đề định cư, ông đánh giá thế nào về độ khả thi của đề án này?



Để thực hiện bài toán giãn dân, phải làm những khu đô thị mới có điều kiện ít nhất bằng hoặc hơn chỗ cũ thì người dân mới đi. Nếu khu đô thị hạ tầng không đầy đủ, thiếu cây xanh, trường học..., sẽ không có sự hấp dẫn và chuyện giãn dân rất khó. Không thể cứ nói bắt người ta đi là đi được. Theo tôi được biết, Hà Nội đang chuẩn bị chương trình giãn dân phố cổ ra khu đô thị Việt Hưng và cũng đã có những kết quả ban đầu, không đến mức bi quan lắm. Thực tế trong giai đoạn này đang chậm về mặt giải ngân, vay ngân hàng, lãi suất… Cần phải có những cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TOÀN,
Thứ trưởng Bộ Xây dựng

PGS.TS TÔN THẤT ĐẠI: - Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, vấn đề xử lý dân cư trong khu phố cổ Hà Nội đã được đặt ra, rất nhiều phương án đã được đề xuất, thậm chí có những cuộc tranh cãi nảy lửa. Đến nay, phương án dời bớt một số cư dân ra khỏi đây đã được chọn. Bản thân tôi cho rằng đây là một phương án đúng.


Phố cổ chứa chừng ấy cư dân rõ ràng là quá tải. Tuy nhiên, những giải pháp đề ra lại khiến tôi cũng như nhiều nhà quy hoạch khác cảm thấy chưa yên tâm, vì nó chưa chạm được vấn đề cốt lõi nhất, nan giải nhất nhiều năm qua: an cư.


Rõ ràng, giãn dân phố cổ với số lượng lên đến 26.000 người trong vòng 10 năm là một chuyện rất phức tạp, rất đặc biệt và chưa hề có tiền lệ. Nó không đơn thuần giống như di dời dân để làm đường. Chúng ta đang làm một cuộc thay đổi cả lối sống, cả phong cách sống, cả tập quán sống đã gắn bó với người dân phố cổ hàng chục năm qua.


Do đó, cần phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn hiện nay, không thể xây được mấy khối nhà, chuyển người dân ra ở đó rồi thôi. Những khu tái định cư như Nam Trung Yên, Định Công… đã trở thành những bài học đắt giá cho việc chúng ta đã không làm đến nơi đến chốn việc tái định cư cho người dân. Muốn giãn dân phố cổ thành công, phải tránh được điều này.


- Nhưng TP Hà Nội đã tính đến các phương án tái định cư, thậm chí sẽ có cả trung tâm thương mại để người dân được buôn bán, thưa ông?


- Ai cũng biết rằng buôn bán ở phố cổ là buôn bán bám mặt đường, có những người thậm chí chỉ cần một cái bàn nhỏ, một cái thúng nhỏ. Sống chật chội, khổ sở nhưng người ta vẫn sống tốt vì có phương cách để kiếm ra tiền, như bán trà đá góc phố một ngày có thể kiếm trăm ngàn đồng.


Buôn bán trong siêu thị, trung tâm thương mại là lối sống hoàn toàn khác, lối sống của các khu phố hiện đại. Liệu chị bán mực nướng, anh bán thịt quay hè phố có vào trung tâm thương mại được không? Nên hướng người ta đến việc chuyển đổi nghề nghiệp. Chúng ta đã từng thành công việc giúp dân chuyển nghề ở làng pháo Bình Đà, đây cũng có thể là một bài học đối với những nơi khác.


 Giãn dân phố cổ Hà Nội: Không khéo chưa giảm đã lo tăng
Dự kiến sẽ có 26.000 dân ở phố cổ phải di dời. Nguồn: internet

- Giãn dân đã khó, việc chống tăng dân trở lại phố cổ còn khó hơn. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?


- Với những gì chúng ta đang làm hiện nay, lo ngại này là rất có cơ sở. Thực tế công tác tái định cư ở nhiều dự án vùng cao đã cho thấy người dân sau một thời gian chuyển qua chỗ ở mới, không thể thích nghi được, không có phương tiện sinh sống đã quay trở lại chỗ cũ.


Với cư dân phố cổ, nếu nơi ở mới chưa thiết kế theo nhu cầu của người dân, khiến người ta khó khăn trong việc kiếm sống, chắc chắn bằng cách này hay cách khác họ sẽ quay về “tái chiếm” phố cổ và những người đợt sau chắc chắn sẽ không đi nữa. Như vậy, việc giãn dân sẽ phá sản hoàn toàn, thậm chí giãn không được còn tăng.


Lẽ ra trong 12 năm qua, chúng ta xây dựng được một số hạng mục chung về hạ tầng. Bây giờ mới bắt đầu xây nhà, trong khi dự kiến năm 2012 triển khai, bao giờ người dân sẽ có một chỗ ở hoàn thiện đúng nghĩa?


- Vậy làm cách nào để bảo đảm chỗ ở mới phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ?


- Vì nhiều nguyên do, trong đó có vấn đề tài chính, dù đã được bàn tính nhiều năm nay, chúng ta vẫn chưa có một công thức thành công cho công tác tái định cư. Đã đến lúc Nhà nước cần đầu tư để tìm được một công thức chung cho nơi tái định cư.


Một phương pháp có thể lấy ra tham khảo là công trình của KTS nổi tiếng Le Corbusier. Ông đã xây dựng một ngôi nhà 17 tầng, có 337 căn hộ gồm 23 kiểu dáng khác nhau, ở được 1.600 người, mỗi căn hộ đều được bố trí ở 2 tầng. Tầng 8,9 là những dãy phố có cửa hàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ. Đặc biệt trên sân thượng có bể bơi, sân chơi và đường chạy, ngôi nhà cũng có trường học đến hết tiểu học, bệnh viện…


Ngôi nhà đã được nhân rộng nhiều nơi khác và đi vào lịch sử kiến trúc hiện đại thế giới. Tất nhiên chúng ta không thể áp dụng máy móc phương án này, nhưng đây là phương án tham khảo hoàn thiện tất cả mọi dịch vụ thiết yếu cho người dân, người ta có thể yên tâm sinh sống nơi ở mới. Có làm được thế này thì mới có thể đảm bảo sự thành công của đề án giãn dân phố cổ.


- Xin cảm ơn ông.

Theo Khôi Nguyên (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.