25/02/2013 2:34 PM
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người dân 2 tỉnh Hòa Bình và Yên Bái đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc định giá đất, hỗ trợ đền bù và tái định cư - những vấn đề nóng nhất hiện nay.

Các ý kiến được nêu ra trong chuỗi hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vừa được thực hiện tại các địa phương với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lập pháp và Tổ chức Oxfam.

Tham vấn nông dân tại tổ 44, phường Yên Thịnh, TP. Yên Bái.

Định giá đất – cần phải công bằng hơn

“Giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng ở địa phương chúng tôi áp dụng từ năm 2009: Đất 1 vụ lúa: 55.000 đồng/m2, đất 2 vụ lúa: 65.000 đồng/m2. Mức giá này không thay đổi mấy năm qua, trong khi giá thị trường thay đổi chóng mặt, từ 3-4 lần” – ông Vũ Văn Định – Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang (TP.Hòa Bình) chia sẻ. Ông Định là người đại diện cho nhóm nông dân phường Thịnh Lang nêu ý kiến tại Hội nghị tham vấn cộng đồng cấp tỉnh ở Hòa Bình.

Ông Định phân tích: “Nông dân vốn sống nhờ vào đất và những thứ làm ra từ đất. Từ 1m2 đất, nông dân thu được 4 mớ rau/lứa. Mỗi năm trồng 10 lứa, ít nhất cũng thu về 30 mớ rau, bán đi được 150.000 đồng. Đó là chưa kể giá trị sản xuất trong nhiều năm. Vậy mà khi áp giá đền bù, chỉ có 55.000 đồng/m2 là không khoa học tí nào”. Liên hệ với câu chuyện tương tự của nhiều xã khác, nhóm nông dân phường Thịnh Lang đề nghị, giá đền bù đất nông nghiệp phải được xác lập dựa vào sản phẩm bình quân trên đất đó, chứ không nên chỉ áp giá từ trên xuống, rẻ và bất hợp lý như hiện nay.

Trong nội dung tham vấn tương tự, nhóm nông dân xã An Thịnh (huyện Văn Yên, Yên Bái) lại nêu ra câu chuyện định giá đất đền bù chênh lệch quá lớn giữa các dự án đối với cùng một loại đất, trong cùng một thời điểm: “Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đền bù đất nông nghiệp 10,5 triệu đồng/sào. Nhưng dự án thu hồi đất nông nghiệp làm khu dân cư mới lại đền bù 24 triệu đồng/sào” - ông Phùng Xuân Biền, thôn Đại An, xã An Thịnh phản ánh.

Sự không thống nhất này xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc, khiếu nại.

Từ những câu chuyện cụ thể và có thật, nông dân hai tỉnh Hòa Bình và Yên Bái “gặp nhau” ở nhiều đề xuất, khuyến nghị đến các nhà làm luật như: Giá đền bù đất của tỉnh nào thì nên để cho tỉnh đó quy định, nhưng cần được Chính phủ phê duyệt, tránh trường hợp giá chênh lệch quá lớn giữa các địa phương. Giá đất khu tái định cư cần thấp hơn hoặc ngang bằng giá đền bù thu hồi đất ở.

Việc định giá đất phải lấy mặt bằng chung chứ không nên lấy hệ số theo từng loại đất và phải sát với giá thị trường. Các dự án triển khai cùng thời điểm, trên cùng loại đất nên có sự thống nhất về khung giá đền bù. Cần có đơn vị tư vấn độc lập về định giá đất để tạo sự công bằng cho người bị thu hồi đất. Người dân mong muốn được biết về khung giá đất do Nhà nước ban hành…

Đền bù phải kịp thời và đủ tái định cư

Không chỉ “lạc” giữa nhiều giá đất khác nhau, nông dân xã An Thịnh (huyện Văn Yên, Yên Bái) còn gặp phải nỗi khổ chờ tiền bồi thường quá lâu kể từ khi được định giá.

“Cán bộ chúng tôi đi tuyên truyền và thuyết phục người dân nhận tiền đền bù là nhiệm vụ phải làm. Nhưng nói thật là tôi không thấy thoải mái trong lòng vì điều mình nói không thuyết phục. Mong luật được sửa để sát hợp với thực tế”.
Anh Nguyễn Văn Chức, thôn Đại An, xã An Thịnh cho biết: “Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tiến hành đo đạc, định giá từ tháng 1.2008 (áp giá đền bù năm 2008), nhưng mãi đến tháng 10. 2010 mới chuyển tiền đền bù (sau gần 3 năm). Lúc này đồng tiền trượt giá, khung giá đất năm 2010 đã thay đổi cao hơn, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Nếu được nhận tiền bồi thường sớm, người dân có vốn để ổn định nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Hiện tượng này xảy ra với hơn 100 hộ bị thu hồi đất ở thôn Đại An”. Từ câu chuyện này, anh Chức góp ý: Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản pháp luật liên quan cần quy định cơ chế chuyển tiền đền bù ngay cho các hộ bị thu hồi đất ở và đất sản xuất. Nếu không, cần có cơ chế hỗ trợ trượt giá khi chuyển tiền đền bù chậm.

Về các khu tái định cư, nhiều nông dân mất đất cho rằng, diện tích khu tái định cư cho mỗi hộ là quá nhỏ. Nhiều hộ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất sản xuất và đất ở. Khi vào khu tái định cư, mỗi hộ chỉ được 150 - 300m2 đất ở, không có đất sản xuất. Toàn bộ tiền bồi thường họ nhận được chỉ đủ mua đất khu tái định cư và dựng nhà, không có đất sản xuất, không có kế sinh nhai. Vì vậy, chính sách đất đai mới cần phải quy định bố trí đất sản xuất khác cho hộ bị thu hồi toàn bộ đất sản xuất.

Hiện nay có thực trạng thu hồi đất nhưng chưa kiểm đếm, chưa đền bù. Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến nhân dân (chẳng hạn, nếu không kiểm đếm cây, dân không dám khai thác, vì khi kiểm đếm đền bù sẽ không còn cây; để lâu hoặc gặp bão thì cây hỏng, lúc đó mới kiểm đếm cây không còn giá trị). Đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây cần quy định rõ thời gian ra quyết định thu hồi đất, thời gian kiểm đếm tài sản trên đất và thời gian đền bù cho người dân”.

Về định giá đất, cần thuê đơn vị tư vấn độc lập nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa dân và Nhà nước. Giá đất các địa phương giáp ranh không được chênh lệch quá cao (khoảng 5% là hợp lý). Có khung giá đất giống nhau giữa các diện tích có cùng đặc điểm... Công bố giá đất 5 năm một lần để ổn định khung giá đất. Khung giá đất được điều chỉnh theo giá thị trường. Giá đất được thỏa thuận khi có 80% người dân tham dự cuộc họp thống nhất, và cuộc họp có ít nhất 80% người dân được mời đến tham dự”.

Tiếng nói chân thực từ cuộc sống

Hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Yên Bái được thực hiện tại 7 xã/phường/thị trấn thuộc các huyện Văn Yên, Văn Chấn và TP.Yên Bái. Nhóm tham vấn đã thực hiện 13 cuộc họp thôn với tổng số 245 người dân tham dự; 6 cuộc họp tổng hợp kết quả cấp xã với 106 người tham gia (trong đó có 37 người đại diện chính quyền); đã tiến hành 30 cuộc phỏng vấn đại diện chính quyền các cấp, doanh nghiệp, đoàn thể của tỉnh Yên Bái.

Qua các cuộc họp hoặc thảo luận nhóm ở thôn bản và các cuộc họp cấp xã, những vấn đề chính mà người dân và chính quyền các địa phương đều quan tâm đề cập là: Quản lý sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, tái định cư. Ý kiến của người dân đều xuất phát từ thực tế cuộc sống của họ nên có tính thuyết phục cao. Mỗi ý kiến, mỗi vấn đề họ nêu đều có các câu chuyện minh chứng, giúp cho nhóm tham vấn có đươc bức tranh toàn cảnh về hiện trạng, bất cập trong quản lý – sử dụng đất tại Yên Bái.

Ban đầu, rất nhiều người dân tham gia tỏ vẻ không tin tưởng vào các hoạt động gặp gỡ tiếp xúc kiểu này. Bởi trước đó, họ đã nhiều lần gặp gỡ trình bày những khó khăn vướng mắc của mình với nhiều cấp, nhiều ngành mà không có nhiều biến chuyển. Nhưng sau khi được giới thiệu, giải thích rõ về mục tiêu và các hoạt động của quá trình tham vấn, họ đã hiểu và tham gia đóng góp ý kiến rất tích cực, tự tin. Nhiều người tham dự cho biết, đây là lần đầu tiên có một hoạt động ý nghĩa, thiết thực như vậy diễn ra tại địa phương. Họ hy vọng ý kiến của họ phần nào giúp cho Quốc hội và Chính phủ đưa ra được một bộ luật phù hợp với thực tiễn và lòng dân.

Không chỉ với người dân, mà cán bộ chính quyền các xã (những người trực tiếp quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai ở cơ sở) cũng đánh giá rất cao ý nghĩa của hoạt động tham vấn này. Vì trên thực tế, trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, họ cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt luật pháp. Thông qua các hoạt động tham vấn, họ cũng đóng góp nhiều ý kiến về quản lý đất đai tại cơ sở.

Hoạt động tham vấn tại tỉnh Yên Bái đã được sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, UBND tỉnh và 3 huyện, thành phố thực hiện tham vấn. Phát biểu tại hội thảo tổng hợp kết quả tham vấn cấp tỉnh, ông Hoàng Công Bình – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái – đánh giá cao kết quả của hoạt động tham vấn tại tỉnh và cho rằng: Đây là một kênh thông tin rất hữu ích, giúp cho các nhà làm luật và Quốc hội có được cái nhìn đa chiều hơn về thực trạng quản lý sử dụng đất ở địa phương để từ đó sửa đổi, thông qua được một bộ luật phù hợp với thực tế, vốn đang thay đổi rất nhanh hiện nay.

  • Chẻ nhỏ như thế nào?

    Chẻ nhỏ như thế nào?

    Một trong những giải pháp doanh nghiệp đề xuất trong thời gian qua để giải phóng căn hộ tồn kho là “chẻ nhỏ” căn hộ nhằm hạ giá thành. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vướng mắc từ chính sách đến kỹ thuật. <br/br>

  • Mong manh cổ phiếu bất động sản

    Mong manh cổ phiếu bất động sản

    Kể từ đầu tháng 12.2012 đến nay, TTCK đã có một chuỗi ngày tăng điểm gần như không ngừng nghỉ. Trong đó, cổ phiếu (CP) bất động sản (BĐS) là một trong những nhóm CP tăng mạnh nhất trên sàn trong đợt phục hồi này. Tuy nhiên, sự phập phồng của dòng CP này vẫn luôn là điều mà nhà đầu tư lo ngại. <br/br>

  • Ai đứng sau vụ Agribank cho Lifepro Việt Nam vay hơn 3.000 tỷ? - Kỳ 1: Thế chấp ảo, rút ruột ngàn tỷ thật

    Ai đứng sau vụ Agribank cho Lifepro Việt Nam vay hơn 3.000 tỷ? - Kỳ 1: Thế chấp ảo, rút ruột ngàn tỷ thật

    Vụ nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Phạm Thanh Tân bị bắt hiện chưa đến hồi kết. <br/br>

Kim Uyên (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.