Bộ Xây dựng cho biết vừa gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nới lỏng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam để giảm tồn kho bất động sản.

Trong quá khứ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thông qua các hội thảo có sự hiện diện của các đại biểu quốc tế nhưng chưa thành công. (Ảnh: Quang Hưng)

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài 5 đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 (gồm: người nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam giữ chức danh quản lý doanh nghiệp; cá nhân nước ngoài có đóng góp cho Việt Nam do Chủ tịch nước, Thủ tướng tặng Huân chương, Huy chương hoặc có quyết định khen thưởng; người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam có kiến thức, kỹ năng đặc biệt); người kết hôn với công dân Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở) thì vẫn còn nhiều đối tượng khác có nhu cầu.

Cụ thể, đó là những người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc dưới 1 năm; người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...

Tính đến hết quý II/2013 cả nước chỉ có 126 trường hợp cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam - (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo Bộ Xây dựng gửi Chính phủ, tính đến hết quý II/2013 cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa.... Trong số này, chiếm khoảng 80% trong số 126 trường hợp nói trên là các cá nhân nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20%.

Trong đó, cá nhân nước ngoài, trong số 108 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam cũng chủ yếu tập trung vào cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam. Cá nhân nước ngoài trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước) thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 5%.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, trong nhiều nguyên nhân khiến không có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được nêu tại báo cáo, có nguyên nhân giá cả nhà ở tại Việt Nam tương đối cao, nên nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã chọn phương án thuê nhà ở thay vì mua nhà ở tại Việt Nam nhằm giảm chi phí.

Hơn nữa, quy định hiện hành chủ sở hữu nhà ở là các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Trong khi đó, đối với những trường hợp cá nhân nước ngoài phải di chuyển do làm việc tại nhiều nơi khác nhau thì lại không được cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng.

Quy định cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ trong thời gian 50 năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở tương ứng với thời gian ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Hà Quang (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.