DĐDN đã đăng bài "Quy hoạch đất chợ Văn Thánh: 10 năm vẫn treo" phản ánh việc vướng mắc trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ của dự án. Để làm rõ hơn vấn đề này, DĐDN có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Thơ - Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Bình Thạnh.
Ông Thơ khẳng định UBND quận Bình Thạnh (BT) kiên quyết hoàn tất việc BTGPMB chợ Văn Thánh (VT) trong quý IV/2010.

- Thưa ông, theo ý kiến của các tiểu thương, việc họ chưa chịu di dời là do giá đền bù chưa hợp lý. Họ mong muốn được đền bù thuận mua vừa bán mà trong đó họ là chủ sở hữu vĩnh viễn sạp hàng, chứ không phải thuê sạp theo hợp đồng (HĐ). Quan điểm của ông như thế nào?

Các tiểu thương chợ VT không sở hữu sạp vĩnh viễn, mà chỉ sử dụng sạp trên đất công. Việc các tiểu thương nghĩ mình được sở hữu vĩnh viễn do hai lý do là họ được “huy động vốn”, và họ không có hợp đồng thuê sạp.

Việc “hiểu không đúng” trên là do năm 1994, sạp được phân theo hình thức “thu huy động vốn chợ Văn Thánh” giao Phòng Tài chính - Kế hoạch - Đầu tư (TC-KH-ĐT) quận BT thu hộ. Năm 1999, sau khi thu hộ hoàn thành, Phòng TC-KH-ĐT quận có công văn 23/CV-TCKHĐT ngày 22/3/1999 đề nghị cấp giấy chủ quyền sạp tại chợ VT cho các tiểu thương đã đóng đủ tiền. Tuy nhiên, UBND quận không chấp nhận đề nghị này, vì không phù hợp với quy định về quyền sử dụng sạp đã được xác định tại Chương II về quản lý hành chính - nhà nước về chợ của QĐ 1117/QĐ-UB-TM ngày 22/7/1993 của UBND TP HCM và Thông tư 15/TM/STTTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại.

- Nhưng tại sao Ban QL chợ VT không ký HĐ thuê sạp với tiểu thương ?


Không ký HĐ thuê sạp chỉ là một trong nhiều giải pháp tạo điều kiện cho tiểu thương chợ VT kinh doanh. Nói thêm là thời điểm 1994 TP xác định chợ VT là chợ đầu mối lớn, bán sỉ rất phát triển nhưng sau đó chỉ vài năm TP phát triển quá nhanh, bến xe VT sát đó di dời, đường Điện Biên Phủ mở rộng tốc độ cao và có dải phân cách nên không thể qua đường... làm hạn chế giao thông và hạn chế người đến chợ nên buôn bán ế ẩm.

- Năm 2007, UBND TP HCM phê duyệt kết quả đấu thầu chợ VT gần 1.000 tỷ đồng, trượt giá đến 90 lần. Nhưng vì sao giá đền bù chỉ hỗ trợ 50% giá mua ban đầu ?

Chính xác giá đầu tư thực hiện DA Chợ VT là 903 tỷ đồng. Giá bồi thường GPMB là do UBND quận Bình Thạnh đã báo cáo đề xuất chính xác về điều kiện lịch sử cụ thể của chợ VT, căn cứ tại QĐ 06/2007/QĐ-UBND ngày 22/1/2007 của UBND TP, và UBND TP đã ban hành Công văn 7129/UBND- ĐTMT chấp thuận.

Cụ thể: về hỗ trợ giá trị quyền sử dụng địa điểm kinh doanh: Được hỗ trợ cả phần giảm 10% (do đóng đủ, đóng đúng thời hạn) mà quận đã giảm trước đây. Được hỗ trợ thêm 50% giá trị bảo toàn vốn bằng vàng theo số vàng mà tiểu thương đã góp thành lập chợ. Có mức thưởng cho tiểu thương bàn giao mặt bằng đúng hạn. Những tiểu thương tự lo địa điểm kinh doanh sẽ được hỗ trợ thêm theo quy định tại khoản 3, Điều 7, QĐ 06 của UBND TP.

Giá bảo lưu vàng 9,6 tuổi chốt vào ngày phương án bồi thường được phê duyệt, cụ thể theo giá vàng đăng trên Báo SGGP ngày 7/9/2009 là 20.960.000 đồng/lượng.

- Vậy tại sao chợ VT vẫn treo đã hơn 10 năm ?

Do chợ hoạt động không hiệu quả nên UBND quận BT đề xuất và UBND TP ban hành QĐ 6033/QĐ-UBND ngày 29/11/2005 chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên thời điểm đó TP chỉ có QĐ số 1393/QĐ-UBND về BTGPMB cho 10 chợ tại TP, trong đó không có chợ VT. Nên UBND TP ban hành QĐ số 06 vào tháng 1//2007. Trên cơ sở đó, UBND quận BT ban hành QĐ 5685/UBND ngày 7/9/2009; phương án 262/PA- UBND ngày 26/8/2009 để thực hiện cụ thể.

- Xin cảm ơn ông.

Cafeland.vn - Theo Khắc Dũng (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland