Dự án Luật đất đai sửa đổi đã được thảo luận qua 5 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 3 kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự phiên họp.
Thu hồi đất, giá đất và bồi thường tái định cư là những vấn đề có nhiều tồn tại, bất cập cũng là nguyên nhân chính của các vụ khiếu nại, tố cáo về về đất đai trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý Luật đất đai sửa đổi
Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, chỉ quy định Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng, hạn chế thu hồi đất vì lợi ích của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần làm rõ các khái niệm lợi ích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có đất bị thu hồi cũng phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị, trong trường hợp có 80% người dân đồng thuận với nhà đầu tư về giá đất thì coi đó là giá chung thu hồi, đền bù cho người dân, 20% còn lại chưa đồng thuận thì Nhà nước có thể can thiệp.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, đây là thỏa thuận dân sự nên không đưa vào Luật đất đai mà đưa vào Luật dân sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề này cần đưa vào Luật đất đai. Muốn thu hồi đất thì trước hết phải thỏa thuận được giá đất, giá đất phải được công khai, minh bạch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu ủng hộ phương án, giá đất phải được tính tại thời điểm thu hồi và sát giá thị trường chứ không phải tại thời điểm ra quyết định thu hồi.
Bên cạnh đó, dự án nào nếu chưa đảm bảo điều kiện tái định cư cho người dân thì chưa thể thu hồi đất, nhất là việc đảm bảo về sinh kế cho người lao động có đất bị thu hồi./.