Ảnh minh họa: Internet
Thông xe từng “khúc”
Ban quản lý dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, qua 4 năm khởi công, dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, dài gần 55km, đã triển khai nhiều gói thầu xây dựng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP trong những ngày qua, phần lớn công trình (đoạn qua TPHCM đến quốc lộ 51 Đồng Nai) đã cơ bản hoàn thành. Nhưng đoạn từ quốc lộ 51 trở ra ngã ba Dầu Giây việc thi công chỉ tiến hành được ở một số vị trí. Khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất ở cả TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 40km có hơn 900 hộ dân phải giải tỏa với số tiền đền bù hơn 170 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án mới thực hiện được 97% khối lượng. Tại TPHCM, phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 2 và quận 9 (tại nút giao) đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn vướng 13 hộ vẫn chưa được di dời, khiến đoạn nối 4km vào đường cao tốc thi công cầm chừng.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cho biết, hiện tuyến đường đã cơ bản hoàn thành đoạn từ nút giao với quốc lộ 51 (huyện Long Thành) đến địa phận TPHCM (từ Km4 đến Km23). Dự kiến cuối tháng 12-2013 sẽ thông xe, khai thác tạm thời đoạn trên. Thời gian khai thác tạm sẽ kéo dài cho đến khi toàn bộ dự án đường cao tốc hoàn thành vào cuối năm 2014.
Tuy nhiên, hiện nay một đơn vị đang thi công đoạn Long Thành - Dầu Giây đã… bỏ chạy. Nếu muốn triển khai thi công tiếp thì phải đấu thầu chọn nhà thầu, riêng về thủ tục thời gian kéo dài cả năm. Như vậy tuyến đường sẽ còn kéo dài thời gian hoàn tất.
Kết nối đồng bộ
Theo dự báo, đến năm 2020, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ hình thành những trung tâm công nghiệp lớn. Khi đó, một loạt đô thị lớn sẽ hình thành xung quanh TPHCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia về giao thông, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang chịu sức ép rất lớn từ quá trình phát triển, hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Sự liên kết giữa giao thông đô thị TPHCM với vùng hiện còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo đơn vị tư vấn, đến năm 2030, lưu lượng xe qua đoạn TPHCM - Long Thành đạt khoảng 182.000 xe/ngày đêm, còn đoạn Long Thành - Dầu Giây gần 27.000 xe/ngày đêm.
Để phát huy hiệu quả đường cao tốc, TP đang chỉ đạo ngành GTVT xây dựng con đường nối từ ngã ba Bình Thái - xa lộ Hà Nội vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vào ngã ba Bình Thái để nối thông với tuyến cao tốc quan trọng này.
Khi được đưa vào khai thác, đây là tuyến đường được đánh giá rất quan trọng và có năng lực thông xe lớn, tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết 3 trung tâm kinh tế lớn tại khu vực phía Nam là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 51, quốc lộ 1, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình TPHCM - Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 20km. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển của các đô thị vệ tinh của TPHCM như Long Thành, Nhơn Trạch, Dầu Giây, Phú Mỹ, Phước Thái… giảm áp lực giao thông nội đô vào trung tâm thành phố, cải thiện môi trường đô thị.