Đó là câu chuyện đang xảy ra với người dân sinh sống tại khu vực đường Duy Tân, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Hiện cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn và trắng tay khi chuyển đến nơi ở mới. Bởi công trình cầu Kỳ Phú 1 và cầu Kỳ Phú 2 đang thi công nối liền tuyến đường Duy Tân - đường ĐT 615 đi xuống biển Tam Thanh, được khởi công xây dựng từ giữa năm 2012. Có 21 hộ dân bị giải tỏa, trong đó có 15 hộ có nhà ở mặt tiền đường Duy Tân và 6 hộ ở sau lưng đường Duy Tân.

Được đền bù vẫn bị dẫn đến nợ nần vì phải xây nhà mới

Khu vực này trước đây là chợ cá Kỳ Phú, các tàu thuyền của ngư dân từ TP Tam Kỳ đến huyện Núi Thành đều chở cá mua ngoài biển về chợ này tiêu thụ và tỏa đi khắp nơi. Từ đó, người dân nơi này phục vụ nghề buôn bán cá, bốc vác cá thuê, bán đá lạnh, dầu diezen cùng nhu yếu phẩm cho tàu thuyền ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển. Vì thế đời sống người dân ổn định, hộ thu nhập ít nhất một ngày cũng từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Nhưng, cách đây mấy năm chợ cá Kỳ Phú được chuyển xuống phường An Phú, vì thế kinh tế của người dân cũng giảm đi rõ rệt. Chị Phạm Thị Thanh Mai (43 tuổi, nhà ở số 84 đường Duy Tân) bức xúc: “Cha mẹ tôi khi còn sống có ngôi nhà với diện tích 57m2 nằm ngay mặt tiền đường Duy Tân. Mấy chị em bám nhau mà sống bằng buôn bán bánh xèo, may vá đồ cũ ngay tại nhà.

Thế nhưng, cầu Kỳ Phú 1 và cầu Kỳ Phú 2 được xây dựng, nhà tôi bị giải tỏa, chỉ được Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ và UBND TP Tam Kỳ kiểm kê, quyết định đền bù có 396 triệu đồng. Trong đó, tiền đền bù cho 57m2 đất là 102 triệu đồng. Nói là tái định cư (TĐC) nhưng gia đình phải bỏ ra 272 triệu đồng để mua một lô đất TĐC với diện tích 125m2 trên đường N24. Như vậy, lấy 396 triệu đồng khấu trừ cho lô đất TĐC là 272 triệu đồng thì gia đình tôi chỉ còn có 124 triệu đồng sao làm nhà ở được”.

Chị Mai chưa hết lo lắng: “Nếu muốn xây nhà tại lô đất TĐC mới để 5 chị em và 2 đứa cháu vào sinh sống thì rất khó khăn và phải đi vay mượn tiền dẫn đến nợ nần nữa. Nếu đem số tiền này chia đều cho 5 chị em thì không lấy nhà đâu mà ở”.

Bức xúc không kém, ông Bùi Văn Dũng (nhà ở số 76 đường Duy Tân) nói: “Khi còn chợ cá Kỳ Phú mỗi ngày thu nhập từ buôn bán cho ngư dân và tiểu thương đến gần triệu đồng. Sau khi chợ cá di chuyển, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn nhưng cũng tận dụng mặt tiền để buôn bán lặt vặt đắp đổi qua ngày. Nhà ở của gia đình có diện tích 52m2 được đền bù, hỗ trợ có 250 triệu đồng là quá thấp. Trong khi mua lại lô đất TĐC 125m2 đường N24 với giá 276,1 triệu đồng, vậy là gia đình tôi phải đi vay 26 triệu đồng nữa mới trả đủ. Rõ ràng được đền bù 250 triệu đồng đàng hoàng những vẫn trắng tay. Khổ quá!”.


Các hộ dân ở đường Duy Tân, TP Tam Kỳ. Ảnh: Linh Linh
Mồi ngon cho “cò” đất…

Được biết, trong dự án di dời TĐC cầu Kỳ Phú 1 và cầu Kỳ Phú 2 còn được xem xét cấp thêm lô đất phụ phải đóng tiền đầy đủ một lần. Không được thiếu một đồng. Nghịch lý xảy ra là những hộ dân được đền bù 100% đã không đủ tiền để trả tiền lô đất TĐC chính, không có tiền làm nhà ở thì nói gì đến việc trả tiền đầy đủ một lần cho lô đất phụ. Vì thế đã xảy ra chuyện “cò” đất nắm được “điểm yếu” này đã kè kè những hộ dân được xét bán lô đất phụ để sang tay với giá từ 40 - 50 triệu đồng.

Bà Mai nói: “Năm chị em sống chung một nhà, được xét bán thêm cho 3 lô đất phụ, nhưng với điều kiện gia đình tôi phải đồng ý không khiếu nại ký vào giấy nhận tiền đền bù thì mới được xét cấp bán cho 3 lô phụ….Nếu cầm tờ giấy thông báo 3 lô đất phụ này sang tay cho “cò” là mấy chị em tôi được khoảng 140 triệu đồng. Còn không sang tay thì chị em tôi lấy đâu ra gần 700 triệu đồng để trả đủ một lần cho 3 lô đất phụ”.

Nói về “cò” đất, ông Bùi Văn Dũng kể: “Tôi lên Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ để xin giấy “mua” thêm 3 lô đất phụ liền thấy “cò” đất đang ngồi ngoài hành lang lại hỏi tôi có sang tay 3 lô đất phụ không với giá khoảng 50 triệu đồng”. Bà M. (số nhà 66 đường Duy Tân) cũng bị giải tỏa và được bán thêm 1 lô đất phụ, nhưng ngay sau đó đã sang tay cho “cò” lấy 45 triệu đồng.


Người dân sau khi được nhận tiền đền bù vẫn tay trắng. Ảnh: Linh Linh
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Đức, GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ thừa nhận là có biết chuyện các hộ dân giải tỏa đường Duy Tân sang tay cho “cò” các lô đất phụ để lấy vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, đây là quyền giữa các hộ dân với những đối tượng mua đất, chứ đơn vị không can thiệp được. “Việc sang tay giữa các hộ dân với “cò” chỉ cần đưa tờ thông báo của UBND TP.Tam Kỳ đồng ý bán lô đất phụ là nhận được vài chục triệu đồng ngay. Về khó khăn của người dân, UBND TP Tam Kỳ đồng ý cho người dân nợ 50% tiền lô đất TĐC chính với thời hạn 5 năm để người dân dành số tiền xây nhà mới để ở”, ông Đức cho biết.

Ông Trần Đình Đức cho rằng, việc áp giá đền bù thấp như người dân phản ánh là UBND TP Tam Kỳ đã áp dụng theo đơn giá đất đền bù của tỉnh quy định và nếu người dân không chấp hành di dời sẽ tiến hành cưỡng chế.
Chủ đề: Đền bù - Thu hồi,
Linh Linh - Trương Tam (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.