Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án Luật quan trọng có phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn đến đông đảo tầng lớp nhân dân. Nguồn: Anninhthudo.vn
Theo TS. Phạm Văn Võ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thì trong thị trường quyền sử dụng đất, giá đất phải mang tính thống nhất. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá tính tiền sử dụng đất, giá đất để tính tiền bồi thường thiệt hại về đất tuy ra đời bằng những cơ chế khác nhau, áp dụng cho những trường hợp cụ thể khác nhau nhưng suy cho cùng chúng đều có cùng bản chất là giá dùng để xác định giá trị quyền sử dụng đất được quy ra tiền mà bên nhận chuyển nhượng, người được giao đất phải trả và bên chuyển nhượng, Nhà nước, người bị thu hồi được nhận khi trao quyền sử dụng đất của mình cho người khác và đều được coi là những nội dung hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, để xác định đơn giá tính tiền bồi thường thiệt hại theo thời giá thị trường cũng như bảo đảm được quyền lợi của người bị thu hồi đất, ông Võ kiến nghị dự thảo cần quy định cụ thể về cơ chế thẩm định giá đất phục vụ cho mục đích tính tiền bồi thường và nên áp dụng cơ chế hiệp thương giá theo quy định của Luật Giá năm 2012.
Về việc bồi thường, đặc biệt là bồi thường chậm đối với trường hợp thu hồi đất là một trong những nguyên nhân gây nhiều khiếu kiện thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về trường hợp bồi thường chậm như sau: bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm bồi thường, nếu giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.
Trong khi đó, đối với trường hợp bồi thường chậm do người có đất bị thu hồi đất gây ra mà giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì áp dụng bồi thường theo giá đất tại thời điểm bồi thường. Còn nếu giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.
Như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có phân biệt rõ các trường hợp bồi thường chậm, và nếu lỗi do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra thì áp dụng bồi thường theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất. Ngược lại, với trường hợp do lỗi của người có đất bị thu hồi gây ra thì áp dụng theo hướng không có lợi cho những đối tượng này. Điều này góp phần khuyến khích, tạo sự động viên cho người có đất bị thu hồi thực hiện nghiêm túc quyết định thu hồi đất. Tránh tình trạng người bị thu hồi đất cố tình chây ỳ không thực hiện nghiêm quyết định thu hồi đất nhưng lại được hưởng bồi thường cao hơn so với người nghiêm túc thực hiện do có sự chênh lệch giữa giá tại thời điểm có quyết định thu hồi và thời điểm bồi thường.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bồi thường chậm mà không phải do lỗi của người bị thu hồi đất có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp. Do vậy, trong trường hợp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ chậm thì dự thảo nên quy định phải trả cho người bị thu hồi khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tính theo lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng thương mại tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm thanh toán. Có như vậy, mới bảo đảm được quyền lợi của người bị thu hồi đất khi họ không có lỗi.
Cũng có ý kiến cho rằng, để quy định này thực hiện thống nhất và hiệu quả trên thực tế thì dự thảo Luật cũng cần phải quy định rõ về thời hạn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi nhằm khắc phục tình trạng nhiều dự án, nhất là dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chậm. Để hạn chế được tình trạng này nên chăng cần quy định “cứng” vào trong dự thảo Luật là sau 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi, Tổ chức phát triển quỹ đất phải thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Sau thời hạn này thì sẽ áp dụng cơ chế bồi thường chậm. Có như vậy, mới tạo được hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, tránh các khiếu kiện không đáng có như thời gian vừa qua.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án Luật quan trọng có phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn đến đông đảo tầng lớp nhân dân. Việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tại Hội trường của dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ Năm sẽ giúp cử tri tiện theo dõi và hiểu rõ hơn về nội dung của dự thảo Luật. Với những đóng góp tích cực của nhân dân vào bản dự thảo Luật trong thời gian vừa qua cùng với trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội, tin rằng, dự thảo Luật khi được thông qua sẽ giải quyết được những tồn tại trong tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai.