Sau khi UBND quận Đống Đa có thông báo gửi đến phường Phương Liên về việc sẽ có hơn 60 hộ dân phải di chuyển nơi ở mới để thực hiện dự án xây mới Trường Tiểu học Phương Liên; gần 40 hộ dân nằm trong dự kiến bị giải toả đã gửi đơn phản đối.

Lý do được người dân phản ánh: Nếu dự án này được thực hiện, Nhà nước sẽ phải chi hàng trăm tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, trong khi khu vực đất trống – tại khu vực hồ Ba Mẫu đã từng có phương án để xây trường, nhưng hiện bị người dân chiếm dụng…


Dự án xây mới Trường Tiểu học Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội): Mảnh đất vàng sẽ rơi vào tay ai?

Nguy hiểm cho các cháu hay mảnh đất đắc địa?


Tháng 5.1971, Uỷ ban Hành chính (nay là UBND TP.Hà Nội) đã cấp cho Uỷ ban Hành chính khu phố Đống Đa (nay là UBND quận Đống Đa) một khu đất tại thôn Trung Tự để xây trường học. Do chiến tranh và kinh phí có hạn, nên Trường Tiểu học Phương Liên chỉ xây dựng được một số phòng như hiện nay, phần đất còn lại năm 1998, UBND TP.Hà Nội cho Cty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Thái thuê. Tuy nhiên, sau khi được thuê đất Cty Việt Thái để đất hoang hoá, không sử dụng.


Thực hiện chỉ thị 15/2001 của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, do đó Văn phòng UBND TP.Hà Nội có công văn 54 ngày 30.12.2002 thu hồi diện tích 1.900m2 đất đã cho Cty Việt Thái thuê - nhưng đến nay đã 9 năm vẫn chưa thu hồi được. Trong thời gian này, nhân dân phường Phương Liên cũng đã gửi nhiều đơn đề nghị thành phố và quận cho xây dựng lại Trường Tiểu học Phương Liên khang trang trên diện tích đất mà trường đã từng được cấp để thuận tiện cho các cháu đi học.


Tuy nhiên, ngày 13.5.2011, UBND quận Đống Đa gửi thông báo số 24/TB-UBND cho UBND phường Phương Liên về việc thực hiện dự án xây dựng Trường Tiểu học Phương Liên. Theo thông báo: Sẽ thu hồi 4.330,4m2 đất giáp với phố Xã Đàn ở các tổ 27A, 29 và 47 để xây trường. Để giải phóng xong mặt bằng xây dựng Trường Tiểu học Phương Liên, UBND quận Đống Đa dự kiến phải chi khoảng 180 tỉ đồng để đền bù, hỗ trợ cho 60 hộ dân các tổ nằm trong phần đất bị thu hồi.


Ông Lê Ngọc Trọng - Trưởng ban QLDA quận Đống Đa - cho rằng, lý do không chọn địa điểm ở trường cũ là trường có 3 mặt tiếp giáp với đường giao thông, rất nguy hiểm khi các cháu học sinh tới trường.


Người dân không đồng thuận


Ông Mai Thế Truyền (ở tổ 29) cho biết: “Lý do mà UBND quận Đống Đa đưa ra là sẽ không đầu tư cải tạo Trường Tiểu học Phương Liên tại địa điểm hiện nay vì ở đây tiếp giáp nhiều đường lớn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tuy nhiên, nếu chuyển đến địa điểm mới, khu vực này cũng nằm ở mặt đường Xã Đàn với lưu lượng giao thông lớn. Ngoài ra, phần lớn học sinh của Trường Tiểu học Phương Liên ở bên phía làng Kim Liên (đối diện trường mới) nếu các cháu muốn tới trường thì phải băng qua đường, cũng rất nguy hiểm”.


Do không đồng thuận với chủ trương của UBND quận Đống Đa, nên người dân đã có kiến nghị: Hiện nay tại khu vực hồ Ba Mẫu có khu đất đủ để xây dựng trường học nhưng hiện đang bị người dân lấn chiếm. Nếu thu hồi để xây trường thì sẽ vô cùng thuận lợi vì công tác GPMB không phức tạp, kinh phí đền bù ít tốn kém. Một phương án khác là diện tích Trường Tiểu học Phương Liên cũ cộng với khu đất bên cạnh hiện đang bỏ hoang vừa đủ để xây trường, chỉ cần xây thêm 2 cầu vượt ở địa điểm này là đảm bảo ATGT cho các cháu.


Tuy nhiên, có lẽ vì khu đất này quá đắc địa (tiếp giáp ba mặt đường Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Xã Đàn) nên giá trị của nó phải phục vụ cho mục đích khác, chứ không dành cho trường học.


Nhiều người dân cho rằng: Với việc tiêu tốn một lượng lớn ngân sách nhà nước và người dân không đồng tình, liệu dự án xây mới Trường Tiểu học Phương Liên có khả thi hay lại kéo dài hàng chục năm như nhiều dự án khác? Bởi, trước đây chính quyền có phương án là sẽ xây mới Trường Tiểu học Phương Liên tại khu vực Hồ Đấu có diện tích 3.500m2, nhưng cũng không xây, sau đó lại san lấp, phân lô chia nền. Sau đó, dân lại kiến nghị xây trường tại khu vực gần hồ Ba Mẫu nhưng rồi cũng không xây, thời gian sau dân xung quanh đã lấn chiếm gần hết... Trong khi đó, hiện nay chính quyền cứ “nhăm nhe” lấy đất ở ổn định hơn 20 năm của người dân!

Theo Hà Anh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án