Người dân bức xúc
Theo nội dung phản ánh của bà Đào Thị Dần (phường Phú Lãm) - người đại diện cho 28 hộ dân hiện đang sinh sống tại phường, vào năm 2006, trường ĐH Đại Nam lập DA xin UBND tỉnh Hà Tây (cũ) để xây dựng trường. Ngày 22/5/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 864/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Số đất theo Quy hoạch là 10,6ha, trong đó, đất của xã Phú Lãm (nay là phường Phú Lãm) là 7,88ha (có 0,62ha đất hành lang giao thông) và xã Phú Lương (nay là phường Phú Lương) là 2,7ha.
Trường Đại học Đại Nam tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông.
Căn cứ theo Tờ trình số 14/TTr-UBND ngày 6/3/2008 của UBND xã Phú Lãm, ngày 11/3/2008, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 523/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB và tiếp đó, đến ngày 31/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 3170/QĐ-UBND thu hồi 96.891,7m2 đất ở 2 phường trên giao cho trường ĐH Đại Nam để thực hiện DA xây dựng trường. Trong đó, đất của xã Phú Lãm là 6,97ha (có 0,46ha đất hành lang giao thông).
Điều đáng nói là trong quá trình thực hiện DA, UBND quận Hà Đông và phường Phú Lãm chưa thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục công khai, đền bù GPMB. Đặc biệt, số diện tích 15.000m2 đất của 28 hộ dân không nằm trong vị trí, diện tích đất giao cho trường ĐH Đại Nam nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi khiến người dân càng bức xúc.
Bà Dần cho biết, số đất cưỡng chế “thừa” này là 15.000m2 đất nông nghiệp mà từ năm 1999, 28 hộ dân ở xã Phú Lãm (trước thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), trong đó có gia đình bà Dần được cấp có thẩm quyền giao, gồm 2 khu vực Ma Cả trong (9.000m2), Ma Cả ngoài (6.000m2), và các hộ dân vẫn sử dụng ổn định để trồng lúa, màu, hàng năm đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, khi trường ĐH Đại Nam thực hiện DA, người dân phát hiện diện tích thu hồi không dừng lại ở con số10,6ha mà lên đến12ha.
Để chứng minh thông tin này là đúng, người dân đã mời một đơn vị độc lập về địa phương đo đạc DA và cũng cho con số “thừa” 15.000m2 đất. Trong thời gian này, người dân nhiều lần có đơn khiếu nại nhưng đến ngày 25/8/2009, UBND phường Phú Lãm và quận Hà Đông vẫn tiến hành lệnh cưỡng chế để thu hồi toàn bộ diện tích đất còn lại, bất chấp sự phản đối từ phía người dân.
Trước nhiều đơn thư của người dân và ý kiến chất vấn của Đại biểu HĐND, ngày 12/12/2014, UBND TP Hà Nội có Công văn số 9780/UBND-TNMT gửi Chánh Thanh tra TP với nội dung: Đây là vụ việc đã được các cơ quan chức năng TP giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, các hộ dân còn khiếu nại, kiến nghị, Đại biểu HĐND TP có ý kiến chất vấn nên UBND TP giao Chánh Thanh tra TP rà soát nội dung, chủ trì, đối thoại với các hộ dân phường Phú Lãm để làm rõ nội dung khiếu nại, kiến nghị, thắc mắc phát sinh, trên cơ sở đó phối hợp với Sở TN&MT, UBND quận Hà Đông thực hiện các biện pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, người dân lại khẳng định, Đoàn thanh tra của TP Hà Nội xuống kiểm tra nhưng không đo đạc diện tích thực tế và cũng không mời người dân chứng kiến sự việc nên đưa ra kết luận Thanh tra chưa khách quan.
Sơ suất ở khâu giải thích?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch UBND phường Phú Lãm cho biết, năm 2014, Thanh tra TP đã triệu tập một hội nghị với sự có mặt của bà Dần - đại diện cho 28 hộ dân khiếu nại cùng các đơn vị liên quan (Sở TN&MT, Văn phòng HĐND TP, UBND quận Hà Đông…) để trao đổi về vấn đề này. Trong buổi làm việc đó, Thanh tra TP đã trả lời bà Dần và khẳng định công tác thu hồi đất tại phường Phú Lãm để xây dựng trường ĐH Đại Nam đã được thực hiện theo đúng quy định.
Do Thanh tra TP không có chuyên môn đo đạc nên đã trưng cầu số liệu từ đơn vị thuộc Sở TN&MT. Đơn vị này đã tiến hành
phục chế các điểm mốc và phát hiện có một điểm mốc bị sai khi xây tường bao (đó là điểm mốc M5 bị lệch khỏi chỉ giới thu hồi đất với diện tích 23,5m2 - PV). Điều này cũng được thể hiện trong Kết luận Thanh tra số 1454/KL-TTTP(P1) ngày 12/7/2011 của Thanh tra TP. Theo Kết luận này, việc trường ĐH Đại Nam xây dựng tường bao lệch với mốc giới M5 là việc làm thiếu thận trọng, nên Thanh tra TP đã yêu cầu trường ĐH Đại Nam cần xây lại tường theo đúng quy hoạch.
Cũng theo ông Cường, cấp phường, xã không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, mà chỉ có chức năng vận động, tuyên truyền. Sau khi có kết luận của Thanh tra TP, cộng với việc tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu thì hiện nay đã có 7/28 hộ dân khiếu nại đã chịu nhận tiền đền bù. Tuy không trực tiếp liên quan đến DA vào thời điểm xây dựng trường ĐH Đại Nam nhưng vị chủ tịch phường cũng cho rằng: Có thể đã xảy ra sơ suất ở khâu giải thích, tuyên truyền cho người dân. Diện tích thu hồi thì vẫn thế, nhưng có sự khác biệt về mốc giới giữa việc tuyên truyền và khi ra quyết định.
Trong quá trình điều tra vụ việc, phóng viên còn tiếp cận được một số thông tin về việc sử dụng đất sai mục đích của đơn vị này khi sử dụng làm sân bóng đá, quán bia... Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc trong số báo sau.
-
Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam thế nào?
Từ ngày 10/11/2024, việc bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam được quy định trong Quyết định 31/2024/QĐ-UBND.
-
Chi tiết mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất tại Hà Tĩnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 24/2024/QĐ-UBND ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
-
Quy định chuyển tiếp về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thế nào?
Xin hỏi, quy định chuyển tiếp về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024 thế nào?