Dự án Làng đại học Đà Nẵng, được Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/1997. Dự án có tổng diện tích 300 ha. Trong đó, 190 ha thuộc xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) và 110 ha thuộc phường Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Theo quy hoạch thiết kế dự án sẽ là một tổ hợp các trường thành viên gồm: Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm… hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá… Làng đại học Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm đào tạo nhân lực có quy mô, chất lượng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nhà xây trái phép trong phần đất được quy hoạch xây dựng Làng đại học Đà Nẵng. (Ảnh: MH)
Tuy nhiên, đã 15 năm trôi qua dự án Làng đại học Đà Nẵng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đến nay, cả dự án mới chỉ xây dựng được 1 ký túc xá sinh viên, của Trường Cao đẳng công nghệ Thông tin (Đại học Đà Nẵng) và Trường cao đẳng Công nghệ Thông tin Việt – Hàn (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Dự án Làng đại học Đà Nẵng "treo" suốt 15 năm qua, khiến đời sống của gần 1.000 hộ dân của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng rơi vào tình trạng “đi không được, ở không xong”, phải sống “treo” khó khăn đủ bề. Do vướng vào quy hoạch nên nhiều hộ gia đình con cái đã trưởng thành, nhưng không thể tách thửa, sang nhượng hay thế chấp. Gia đình bà Mai Thị Tuyết ở phường Hòa Quý có 4 người con. Trong đó, 2 người đã lập gia đình riêng. Vì không thể tách thửa đất, nên tất cả phải sống chung trong một ngôi nhà chật chội, ẩm thấp. Mỗi khi có mưa bão, cả gia đình lại phải đi “lánh nạn” ở nơi khác…
Quy hoạch “treo” còn khiến ruộng đồng bỏ hoang. Hàng ngàn người dân của xã Điện Ngọc và phường Hoà Quý phải chịu cảnh thất nghiệp trong khi đất đai bỏ không. Bức xúc, với quy hoạch “treo” kéo dài xuyên qua 2 thế kỷ, người dân đã nhiều lần phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội nhưng đến nay dự án vẫn... “án binh bất động”. Việc triển khai dự án Làng đại học Đà Nẵng theo kiểu rùa bò, còn khiến chính quyền địa phương cũng khổ lây khi rất khó để quản lý việc nhập cư ở vùng giải tỏa do số lượng người đến, đi liên tục thay đổi, thiếu ổn định. Ông Nguyễn Hòa - Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, 15 năm qua, kinh tế của địa phương có nhiều khởi sắc. Chỉ riêng đời sống của dân ở dự án Làng đại học Đà Nẵng lại đang đi xuống.
Tương tự, bức xúc với dự án này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng Làng đại học Đà Nẵng trên địa bàn Quảng Nam. Trong đó, nêu rõ nếu không tiếp tục triển khai thực hiện thì xóa quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng đất đai. Dự án không có nhu cầu sử dụng đối với diện tích đất theo quy hoạch nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, không để kéo dài tình trạng quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Còn tại TP. Đà Nẵng, chủ trương của chính quyền thành phố đến năm 2014 sẽ chấm dứt việc giải tỏa, di dời lớn. Do vậy, nguyện vọng của nhiều hộ dân đang phải sống trong vùng quy hoạch dự án Làng đại học Đà Nẵng là chủ đầu tư dự án cần nhanh chóng triển khai dự án, công bố lộ trình đầu tư, kiểm soát quy hoạch. Trước mắt, mong muốn chính quyền cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở trong mùa mưa bão đang đến gần, tạo điều kiện đường xá, điện nước... bảo đảm an sinh xã hội.