03/12/2012 10:57 AM
Long An được xem là tỉnh đi đầu trong chủ trương thu hồi các dự án “treo” ở các khu, cụm công nghiệp. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và có tỉnh đã đến học tập kinh nghiệm như tỉnh Bắc Ninh. Thế nhưng, qua thời gian thu hồi, một số dự án vẫn còn nằm “chờ” nhà đầu tư.

Thu hồi dự án, người dân vui mừng

Ông Trần Văn Út, ngụ ấp Thanh Phong, xã Bình Lãng(Tân Trụ) cho biết, vùng đất này trồng lúa tốt, mỗi năm bà con đều làm 3 vụ lúa. Chính vì sống nhờ cây lúa, nên cách nay 4 năm, người dân ấp Thanh Phong cảm thấy lo lắng khi chính quyền địa phương cho biết sẽ quy hoạch vùng đất này phát triển cụm công nghiệp với diện tích khoảng 168 ha. Dù chưa kê biên nhà cửa, đất đai, nhưng người dân trong ấp nhìn thấy bản vẽ quy hoạch cụm công nghiệp đã được treo tại trường tiểu học trong ấp đều đứng, ngồi không yên.

Dự án chợ nông sản tại ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh (Thủ Thừa, Long An), gần 10 năm xây dựng vẫn bị bỏ hoang.

Chính vì thế, khi nghe tỉnh có quyết định thu hồi dự án cụm công nghiệp, bà con ai nấy đều cảm thấy nhẹ lòng. Ông Trần Văn Út phấn khởi cho biết thêm, giờ đây ông và người dân ấp Thanh Phong cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống, không còn cảnh vừa làm vừa lo khi nào đất lúa bị thu hồi.

Hay như đến ấp 4, xã Mỹ Phú thuộc huyện Thủ Thừa, chúng tôi thấy được những nét mặt rạng rỡ của người dân nơi đây. Anh Hồ Tấn Tân - một nông dân nằm trong vùng qui hoạch gần 300 ha đất làm sân golf của tỉnh, cho biết, anh không sao quên được ngày hay tin đất ruộng của mình sẽ bị thu hồi để nhà đầu tư xây dựng sân golf. Với 3 ha đất sản xuất, anh Tân vừa trồng lúa vừa trồng dưa hấu xen lẫn với rau màu. Lợi nhuận anh thu được từ mảnh đất màu mỡ đó lên đến hơn 130 triệu đồng/năm. Khi cơ quan chức năng đến kê biên nhà cửa, đất đai, anh Tân lo lắng vô cùng khi nghĩ đến tương lai sẽ làm gì để chăm lo gia đình. Vì vậy, được thông tin UBND tỉnh đã thu hồi dự án, trả đất lúa về cho nông dân, anh Tân rất mừng. Anh Tân tâm sự: “Vùng đất này trồng lúa rất tốt, mỗi năm bà con đều làm 3 vụ lúa. Chính vì sống nhờ cây lúa, nên đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn”.

Ông Hồ Tấn Tân bên diện tích đất cho năng suất cao của mình.

Theo ông Lê Xuân Long - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, trong diện tích gần 300 ha làm sân golf, cũng có những diện tích sản xuất lúa không hiệu quả. Do vậy, khi tỉnh có chủ trương qui hoạch thì cũng có một số người dân đồng tình, một số không đồng thuận, nhưng họ vẫn canh tác bình thường trên diện tích của mình. Đến khi tỉnh xóa bỏ quy hoạch, hầu hết người dân ủng hộ cao vì họ an tâm sản xuất mà không còn phải hồi hộp như trước đây. Cùng với niềm vui của người dân, chính quyền xã Mỹ Phú đang đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tưới tiêu nông nghiệp để tạo điều kiện người dân sản xuất ổn định, lâu dài.

Chậm triển khai - kiên quyết thu hồi

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Long An, từ năm 2009 đến nay UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi của 79 dự án với tổng diện tích 4.596 ha (không tính dự án 10.000 ha của Công ty CP ĐT Nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm Ita Rice do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chủ trương không đồng ý). Trong đó, năm 2009 thu hồi 10 dự án với diện tích 867 ha; năm 2010 là 13 dự án với diện tích 534 ha; năm 2011 là 12 dự án với diện tích 565 ha. Từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh thu hồi 44 dự án với diện tích 2.630 ha. Còn lại 12 dự án, Hội đồng đầu tư tỉnh đã có kết luận thu hồi với diện tích 1.177 ha và hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành đang tiếp tục tiến hành thủ tục thu hồi.

Cũng theo Sở KH-ĐT Long An, hầu hết các dự án thu hồi đều do các nhà đầu tư chậm triển khai, không chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, không đảm bảo năng lực tài chính và nhà đầu tư đề nghị không tiếp tục triển khai dự án. Tất cả các dự án thu hồi đều được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và địa phương có dự án. Đối với các dự án sau thu hồi, tỉnh sẽ xem xét xóa quy hoạch hoặc giữ quy hoạch để tiếp tục kêu gọi đầu tư và phải được sự đồng thuận của nhân dân. Bước đầu cho thấy việc xóa quy hoạch các dự án không phù hợp đã tạo được thuận lợi rất lớn đối với hoạt động sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực dự án.

Về quản lý tiếp nhận, thu hồi dự án đầu tư, ông Mai Văn Chính - Bí thư tỉnh ủy Long An, nhìn nhận còn nhiều hạn chế. Cụ thể như chưa có sự nhất quán trong phân công thực hiện đầu mối về tiếp nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh dẫn đến thiếu sự giám sát, kiểm tra thông tin và tiến độ thực hiện dự án gây ra tình trạng vừa chồng chéo, vừa bỏ trống trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư; chưa có công cụ để đánh giá chính xác quy mô dự án so với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư nên dẫn đến việc xác định quy mô dự án theo yêu cầu đăng ký của nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng sử dụng đất còn lãng phí; công tác kiểm tra, rà soát được thực hiện thường xuyên nhưng nhìn chung tiến độ đầu tư khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, tái định cư chậm, tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Còn nhiều dự án chỉ triển khai xây dựng một phần diện tích đất được giao nhưng chưa có biện pháp mạnh để xử lý phần đất được giao đã lâu nhưng chưa triển khai...

Một số dự án đã thu hồi để “chờ” nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Minh Hạ - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Long An, qua rà soát, tổng số dự án khu - cụm công nghiệp, Hội đồng đầu tư của tỉnh sẽ họp bàn để dự kiến về quy hoạch các dự án sau thu hồi. Theo đó, đối với dự án đã thu hồi, tỉnh thỏa thuận lại cho nhà đầu tư khác đang triển khai là 15 dự án với tổng diện tích 1.070,5 ha và các dự án này nhà đầu tư tiếp tục triển khai. Đối với dự án đã thu hồi, xóa quy hoạch toàn bộ diện tích là 20 dự án với tổng diện tích hơn 1.800 ha, tỉnh giữ quy hoạch để tiếp tục kêu gọi (“chờ”) đầu tư hoặc chỉnh trang là 18 dự án với diện tích 795,9 ha.

Nguyên nhân có việc một số dự án “chờ” nhà đầu tư là do UBND huyện Cần Giuộc đề nghị giữ quy hoạch đối với dự án khu tái định cư và sân golf, tổng diện tích 242 ha tại xã Phước Lại, xã Long Hậu để tiếp tục kêu gọi đầu tư. Đây là diện tích phù hợp với quy hoạch Khu Đông Cần Giuộc đã được phê duyệt; đồng thời thuộc vùng đất sản xuất lúa 1 vụ năng suất thấp, không hiệu quả. Hiện nay, theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt thì không quy hoạch đất dân cư, thương mại, dịch vụ từ nay đến năm 2020 tại vị trí này.

Xét thấy đề nghị của huyện là phù hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho huyện Cần Giuộc để giữ quy hoạch dự án này để tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Hay như đối với dự án cụm công nghiệp 38 ha tại xã Lương Hòa, theo đề án rà soát cụm công nghiệp thì dự kiến xóa quy hoạch. Tuy nhiên, vị trí này tiếp giáp với vị trí Công ty CP Betong 620 đang đầu tư, Công ty lại có nhu cầu mở rộng khoảng 10 ha và đã mua đất trong cụm công nghiệp này phần tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông. Do đó các ngành thống nhất kiến nghị UBND tỉnh xóa quy hoạch diện tích 28 ha và giữ quy hoạch 10 ha để xem xét nhu cầu mở rộng đầu tư.

Nói về phát triển thêm khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND Long An, cho biết, những huyện trước đây quy hoạch phát triển công nghiệp tràn lan cũng nên cân nhắc. Khu vực nào còn phát triển được công nghiệp thì giữ lại, khu nào không còn phù hợp thì trả lại phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh Long An còn đưa ra chủ trương hạn chế đến mức tối đa việc chuyển mục đích đất trồng lúa năng suất cao vào các mục đích sử dụng khác; đồng thời, tiếp tục rà soát để xóa quy hoạch đối với những dự án sử dụng đất lúa hai vụ.

  • Dự án 'treo' - Bài 4: Xấu bộ mặt đô thị

    Dự án 'treo' - Bài 4: Xấu bộ mặt đô thị

    Không chỉ làm người dân khốn khổ, dự án treo đang làm xấu bộ mặt đô thị. Dọc trục Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng, những ai đi qua đoạn đường này đều dễ bắt gặp nhiều khu đất quây tôn bao quanh. Đó là những dự án treo và với tình hình bất động sản đóng băng như hiện nay, cũng không rõ khi nào những dự án này khởi động.

  • Dự án 'treo' - Bài 3: 'Tha hương' trên mảnh đất của mình

    Dự án 'treo' - Bài 3: 'Tha hương' trên mảnh đất của mình

    Vài năm gần đây, khu vực tam giác phát triển đô thị mạnh nhất tại Hà Nội là khu vực: Thanh Xuân - Cầu Giấy - Từ Liêm. Thời điểm sốt giá, khu vực này có giá chuyển nhượng cao nhất thành phố nhưng đây là khu vực có nhiều đất để hoang hóa nhất, trong đó nhiều dự án treo kéo dài nhiều năm. <br/br>

  • Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dự án 'treo' - Bài 2: Đại lộ Thăng Long

    Dọc hai bên đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Tây, hàng loạt dự án bất động sản, trụ sở các cơ quan đang triển khai dang dở được rào lại, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, người dân mất đất ruộng từ nhiều năm nay vẫn đang sống trong tình cảnh “làm hôm nay, lo ngày mai”.

  • Dự án 'treo' - Bài 1: Đất treo, dân thiếu việc làm

    Dự án 'treo' - Bài 1: Đất treo, dân thiếu việc làm

    Phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung, thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đúng đắn của các địa phương trong cả nước. Nhưng việc phát triển các KCN, CCN một cách ồ ạt, sử dụng nhiều quĩ đất nông nghiệp màu mỡ chuyển sang công nghiệp đang là nỗi lo của người dân, trong khi quĩ đất trồng lúa ngày càng co hẹp.

Theo Thanh Bình (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án